Họ không biết xấu hổ

Ngay sau khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế đã phối hợp nghiên cứu một ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) để cảnh báo việc tiếp xúc gần với người bị nhiễm Covid-19 (như F0-F1-F2). Tới tháng 4-2020, ứng dụng Bluezone đã ra đời.

Và cần nhấn mạnh đây là ứng dụng không chỉ riêng ở Việt Nam mới có, mà Philippines, Thái-lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… và nhiều nước khác đã phát triển và phổ biến những ứng dụng tương tự, như Singapore có ứng dụng TraceTogether, Thái-lan có ứng dụng MorChana, Thụy Sĩ có ứng dụng SwissCovid…

Theo trang mạng bluezone.gov.vn, ứng dụng Bluezone sẽ giúp mỗi người: bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, bảo mật dữ liệu (ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên smartphone của người tham gia, không chuyển lên hệ thống), không thu thập dữ liệu vị trí, ẩn danh (ẩn danh với người khác, chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới có thể biết người bị nhiễm, nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19), minh bạch, không tốn pin. Tức là Bluezone chỉ có mục đích duy nhất là bảo vệ người sử dụng, bảo vệ cộng đồng, không thu thập thông tin để phục vụ bất kỳ mục đích nào khác… Sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, Chính phủ, các cơ quan chức năng và toàn dân lập tức triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tích cực, để bảo vệ tính mạng, bảo vệ cuộc sống của toàn dân và một trong các biện pháp đó là kêu gọi mọi người cài đặt, tham gia cộng đồng Bluezone. Ngày 7-8-2020, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi toàn dân cài đặt Bluezone để cùng nhau chung tay phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh có hiệu quả. 

Theo số liệu của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, mỗi ngày trung bình có thêm 1 triệu người Việt Nam cài đặt ứng dụng Bluezone trên các nền tảng iOS hoặc Android; đến 11 giờ ngày 13-8-2020, số lượt tải ứng dụng Bluezone đạt 17 triệu lượt, tăng 16,8 triệu lượt so cùng thời điểm ngày 25-7-2020. Như vậy, việc bổ sung một giải pháp công nghệ để hỗ trợ phòng, chống đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết, bởi việc bổ sung đó giúp phòng, chống tốt hơn, hiệu quả hơn. Có lẽ vì thế, dù còn có đánh giá tiêu cực, song khi lên tiếng trên BBC ngày 7-8-2020, một người được giới thiệu là “kỹ sư bảo mật ở Silicon Valley” vẫn phải thừa nhận rằng Bluezone là giải pháp “phù hợp với tình hình văn hóa, xã hội ở Việt Nam”. Trong bối cảnh đó, một số kẻ tự nhận hoặc được tán dương là “nhà dân chủ” lại lên tiếng phủ nhận vai trò của ứng dụng Bluezone và sử dụng thuyết âm mưu để suy diễn bậy bạ về ứng dụng Bluezone, kêu gọi “tránh xa Bluezone”! Bình luận về hiện tượng này, có người đã đánh giá trên internet rằng “các nhà dân chủ sẵn sàng vứt bỏ những tiện ích của nó, bỏ qua các tác dụng có thể đến với giống nòi, dân tộc của mình... Chúng sẵn sàng bán rẻ mọi thứ, biến mọi thứ từ chỗ tích cực thành tiêu cực, bị nghi ngờ. Chúng không và chưa bao giờ mong muốn, hy vọng đất nước khống chế được đại dịch, chúng đang muốn những điều ngược lại. Đó cũng là lý do khi tiếp cận câu chuyện của Bluezone, chúng vẫn nghĩ ra những chuyện quái đản để ngăn cản, để làm cho điều này khó đến với người dân”!