BBC: Từ đoán mò, sốt ruột đến phát ngôn linh tinh!

Càng gần đến ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII (Đại hội XIII), hầu như mọi địa chỉ truyền thông của các thế lực thù địch, hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam càng lên gân, lên cốt vận hành hết công suất để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo thông tin nhằm mục đích chống phá.

Trong đó, nổi lên “chuyện nhân sự”. Oái oăm là do không kiếm được thông tin nào có liên quan nên các địa chỉ như BBC chỉ còn biết đoán mò theo kiểu “thầy bói xem voi”, “ông nói gà, bà nói vịt”! Đoán mò mãi vẫn không nên cơm nên cháo, ngày 4-1-2021, BBC công bố bài báo có nhan đề “Sát Đại hội 13, vẫn chưa biết ai là “người đặc biệt” được chọn ở lại”, và nhan đề này cho thấy BBC không giấu được nỗi sốt ruột, tự bộc lộ bản tính ham hố soi mói, thóc mách công việc của người khác.

Không lập chuyên mục riêng về Đại hội XIII như RFA, song BBC tổ chức bài vở về Đại hội XIII ngày càng dày đặc. Và hẳn là thấy nếu chỉ mỗi phóng viên Quốc Phương lọ mọ tìm kiếm tài liệu rồi gượng gạo lắp ghép với nhau để lải nhải, tào lao độc diễn mãi cũng nhàm, nên thi thoảng BBC điểm xuyến với ý kiến của mấy người được BBC gán nhãn hiệu “nhà quan sát thời sự, chính trị từ Việt Nam” hoặc cho đăng bài vở của mấy vị là luật sư, tiến sĩ gửi từ trong nước. Hiềm một nỗi, cố vơ bèo gạt tép để có bài vở xuyên tạc Đại hội XIII, BBC quên rằng mấy “nhà quan sát thời sự, chính trị”, luật sư, tiến sĩ đó đã nhẵn mặt trên BBC, nhẵn mặt đến nỗi chỉ thấy tên là biết họ sẽ nói gì. Và càng nói họ càng tỏ ra hời hợt, to mồm phán xét về những việc hoặc là họ không hiểu, hoặc là hiểu nhưng cố tình xuyên tạc.

Thí dụ, một đoạn trong bài của một ông tiến sĩ đăng trên BBC viết: “Những lý lẽ mọi việc cần công khai để “dân biết, dân kiểm tra, giám sát” như Đảng đã cam kết và sự tham gia chính trị của quyền người dân được quy định trong Hiến pháp… trở nên lạc lõng, được cho là “không phù hợp”, thậm chí bị chỉ trích có “biểu hiện dân túy”…” mà buồn cười. Trưng tên tuổi gắn với học vị tiến sĩ lại viết như vậy thì chỉ có hai khả năng: hoặc tiến sĩ cố tình lập lờ đánh tráo khái niệm; hoặc tiến sĩ không hiểu nên viết linh tinh. Về khả năng thứ nhất, nếu có thì tiến sĩ nên xấu hổ về phát ngôn của mình. Còn về khả năng thứ hai, ông nên tìm hiểu kỹ trước khi phát ngôn. Ở Việt Nam, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là biểu hiện cụ thể của quan điểm “lấy dân làm gốc”, khẳng định nhân dân có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH T.Ư Đảng khóa XII trình Đại hội XIII đã bổ sung, hoàn thiện phương châm này với các tiêu chí: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chứ không phải như ông tiến sĩ viết cứ như thật rằng “dân biết, dân kiểm tra, giám sát”! Với Đại hội XIII, Dự thảo Văn kiện đã được công bố công khai để toàn dân đóng góp ý kiến thiết thực, riêng nhân sự lại là công việc nội bộ của một chính đảng, không ai có thể đòi hỏi phải công khai mọi sinh hoạt. Việc này là đương nhiên, không chỉ riêng ở Việt Nam và tiến sĩ chịu khó tìm hiểu sẽ tự thấy vì sao các phóng viên không được phép tham dự Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa từ ngày 21 đến 24-8-2020 tại bang North Carolina (Mỹ)!