Tư thế nhập cuộc

Cuối năm 2020, trong khí thế tổng kết, nhìn lại hoạt động văn hóa, văn nghệ cả một năm phải nói là đằng đẵng nỗ lực, chống chịu, chiến đấu và vượt qua những thách thức của thời cuộc, người ta giật mình nhận ra mấy biểu hiện nổi bật. 

Đó là không khí ắng lặng nơi các cơ quan, đơn vị văn hóa, nghệ thuật nhà nước, vốn bị chịu ảnh hưởng nặng do sự tiến công của dịch bệnh, hoạt động cách ly, giãn cách xã hội kéo dài, khiến cho việc dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng có nhiều phần suy giảm. Ngược lại, đó là khí thế sôi nổi của nhiều văn nghệ sĩ từ các nhóm và với tư cách cá nhân, tích cực sáng tác, kiến tạo hoạt động nhằm vận động xã hội quyên góp ủng hộ những địa bàn, hoàn cảnh khó khăn, ban đầu là những người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, sau đó là đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Nhiều chương trình biểu diễn kêu gọi cộng đồng đóng góp đã diễn ra, những bài hát, bức tranh mới ra đời, các sáng tác văn chương hướng về vùng dịch, vùng thiên tai, các hoạt động sáng tác, bán đấu giá tác phẩm, những chuyến đi trực tiếp của các văn nghệ sĩ vào vùng thiên tai…, tất cả cho thấy tinh thần chủ động, tự giác của các cá nhân văn nghệ sĩ đồng hành với thời cuộc, cộng đồng.

Thực tế xã hội và đời sống văn nghệ đặt ra câu hỏi lớn về tinh thần nhập cuộc của ngành văn hóa đối với những biến động to lớn, những sự cố, những hoàn cảnh đặc biệt của đời sống xã hội nước nhà. Có lẽ hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước, khi mọi ngành, nghề, lĩnh vực đều cố gắng hết sức để thích ứng và vượt qua thử thách, thì ngành văn hóa, hơn ai hết, cần phải thực hiện trách nhiệm tiên phong của mình trong việc phát huy tiếng nói, hành động, lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật nhằm cổ vũ công chúng, khích lệ xã hội, vận động toàn dân tích cực phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai, các vấn đề kinh tế, xã hội gay cấn, nổi cộm. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ngành văn hóa vẫn còn những chậm chạp, thậm chí có thể lúng túng, lặng lẽ trong việc phát động, cổ vũ văn học nghệ thuật nhập cuộc, đồng hành với toàn dân trong công cuộc đấu tranh chống dịch, chống bão lũ.

Nên chăng nhìn thẳng thắn hơn vào thực tế để nhận rõ hơn về những hạn chế của ngành văn hóa trong việc nhập cuộc với đời sống xã hội qua những cơn biến cố, những hoàn cảnh ngặt nghèo. Từ đó mà có các định hướng, giải pháp cho hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thời kỳ mới, trên tinh thần thúc đẩy mạnh mẽ tiếng nói văn nghệ vào việc bám sát các diễn biến nổi bật hoặc nghiêm trọng đời sống, những hiện tượng đột xuất, những tình trạng căng thẳng, nan giải mà xã hội, các địa phương, cộng đồng dân cư phải đối mặt, giải quyết. 

Chính trong những hoàn cảnh như thời gian qua và hiện nay, vai trò, tiếng nói của ngành văn hóa lại càng được đòi hỏi phải phát huy, nhằm gợi mở, tập hợp, kiến tạo cho các đơn vị nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ trên hành trình góp tiếng nói phản ánh thực trạng sôi động và cổ vũ tinh thần xã hội. Tư thế nhập cuộc và hành động tích cực đó rất cần trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí có thể nói còn quan trọng hơn cả việc lắng nghe, ghi nhận, ngợi khen những mô hình tốt, cách làm hay mang tính tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xã hội.