Tri ân thiết thực

Phát huy truyền thống quý báu tri ân những người có công lao, vì Tổ quốc mà hy sinh tính mạng, xương máu, người thân, tuổi trẻ…, những năm qua, cả nước đã dành nhiều mối quan tâm, hành động chăm sóc đối với thương binh, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Từ đường lối, chính sách cho đến các chương trình lớn, các hoạt động cụ thể, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã dành nhiều tâm sức, vật chất để giúp đỡ, đồng hành cùng những người có công lao ấy trên hành trình phát triển chung hướng đến no ấm, giàu mạnh. 

Thực tế, không ít thương binh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do những ảnh hưởng của vết thương, di chứng, do hạn chế về sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt đời thường. Đặc biệt, thực tế đời sống đã thay đổi rất nhiều so khả năng, năng lực, trang bị tri thức của những người dành nhiều năm tháng chiến đấu. Hiện nay, bên cạnh những tấm gương thương binh vượt khó vươn lên, lao động sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, làm giàu và đóng góp cho xã hội, vẫn còn nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ vất vả, thiếu thốn, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mô hình sản xuất phù hợp. Đó cũng là hoàn cảnh của không ít người có công khác. 

Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng đã đặt ra, tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bồi dưỡng, tư vấn cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong vấn đề học tập, xác định nghề nghiệp; hỗ trợ và ưu tiên, ưu đãi trong quá trình làm nghề, thử nghiệm và triển khai mô hình lao động sản xuất…, đó là đòi hỏi của thời cuộc cũng như mong mỏi của đông đảo cá nhân và gia đình những người có công nói chung. Điều này luôn cần được cụ thể hóa, triển khai đa dạng, sâu sát trong thực tế cuộc sống. Đặc biệt là rất cần vai trò theo dõi, đồng hành, sáng kiến thúc đẩy của các cơ quan chức năng ở địa phương, địa bàn cơ sở. 

Bởi với các đối tượng chính sách đặc thù, đặc biệt là với thương binh, việc thực hiện mỗi chương trình, hoạt động, cách làm nhằm phục vụ đời sống của họ và gia đình họ sẽ có nhiều kết quả rất khác nhau, thậm chí mức độ và khoảng cách xa nhau. Như thế, lại càng cần phải có sự chu đáo trong chính sách, sự kín kẽ trong cơ chế, những cải tiến và hết sức linh hoạt trong các chương trình, hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

Tri ân thiết thực người có công đối với đất nước luôn là mục tiêu lâu dài, nhân văn của toàn xã hội!