Tránh nguy cơ lãng phí

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô.

Trên thực tế chủ yếu là trong các vụ tham ô, tham nhũng, tài sản công bị một số cá nhân chiếm đoạt bất hợp pháp, nguồn lực xã hội bị chuyển qua một vài cá nhân trở thành tài sản một vài cá nhân khác. Còn với việc lãng phí như các công trình hàng nghìn tỷ bỏ không, hoặc khai thác không hiệu quả, nguồn lực xã hội đã bị mất trắng. Tính về tổng thể, lãng phí gây thiệt hại cho xã hội lớn hơn tham ô, tham nhũng.

Theo báo cáo Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết có tới 422 dự án có thất thoát, lãng phí. Trong tổng số hơn 30.500 dự án được đưa vào sử dụng năm 2018 có tới 245 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không hiệu quả. Xin lưu ý, đây chỉ là kết quả giám sát của Bộ KH&ĐT trong một năm 2018.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã công bố tổng mức đầu tư dự án đường sắt cao tốc bắc - nam là 58,7 tỷ USD. Bộ KH&ĐT đưa ra đánh giá độc lập với mức đầu tư chỉ 26 tỷ USD. Dĩ nhiên những tiêu chí cụ thể của hai phương án đầu tư khác nhau nên tổng đầu tư không thể giống nhau. Tuy nhiên, chênh lệch giữa hai phương án tới 32 tỷ USD là rất lớn và cần phải làm rõ.

Ngược lại quá khứ, ngành đường sắt đã có rất nhiều dự án đội vốn hơn gấp đôi, từ 8.770 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng như đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP Hồ Chí Minh) cũng đều đội vốn hơn gấp đôi.

Rõ ràng, ở sự việc nêu trên, dẫu còn nhiều sự tranh cãi, ngành đường sắt nói riêng và ngành giao thông nói chung cần cầu thị, tiếp thu những đóng góp trí tuệ, trách nhiệm để bảo đảm tìm ra phương án đầu tư hiệu quả, phù hợp ở hoàn cảnh kinh tế đất nước.