Trách nhiệm phát ngôn

Hà Nội sau mấy ngày mức độ ô nhiễm không khí lên tới mức báo động mới thấy có động thái khẩn cấp từ phía cơ quan của Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành mời các đơn vị liên quan họp để tìm giải pháp.

Chưa biết kết quả cuộc họp thế nào, chỉ thấy rằng, ngược với những phát ngôn trước đây của một số người có trách nhiệm phản bác những thông tin về tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng của hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rằng nó chưa đến mức… nghiêm trọng đến thế. Thời điểm hiện tại, thực tế đã chứng minh rằng, môi trường không khí đang bị ô nhiễm nặng nề.

Còn nhớ, ngay sau vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ thấy có duy nhất cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội là UBND phường Hạ Đình ra cảnh báo cho nhân dân trong địa bàn của mình quản lý biết mức độ nguy hại bởi ô nhiễm môi trường sau vụ cháy. Và cũng chỉ ngay sau đó, đơn vị có chức năng phát ngôn ở cấp cao hơn đã lên tiếng… phủ nhận tính xác thực của thông tin này. Để rồi, cả chục ngày sau, những cơ quan có trách nhiệm, chuyên môn mới ra thông báo. Trong thông báo cho biết, những khuyến cáo của đơn vị cấp phường tại Hà Nội là… chính xác.

Nhớ vậy để thấy rằng, tại các cơ quan chức năng, hầu hết đều có người được phân nhiệm chức năng phát ngôn đại diện cho cơ quan, tổ chức. Nhưng những người có trách nhiệm phát ngôn cho tới giờ đều… chậm chạp. Tới mức, đáng ra phải lên tiếng bằng chuyên môn và trách nhiệm của mình thì họ gần như chỉ phát ngôn một cách chung chung, hoặc phát ngôn không đúng thực tế, bản chất sự việc. Điều đó dẫn tới hệ quả là, những sự việc cụ thể đáng ra cần làm, xử lý ngay lập tức thì lại chỉ được quan tâm sau đó một thời gian… dài.

Ngày 14-12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã đưa ra thông báo nhận định trong tuần qua (từ ngày 7 - 13-12), mức độ ô nhiễm không khí cũng liên tiếp có xu hướng tăng. Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13-12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng “rất xấu”. Với diễn biến chất lượng không khí nêu trên, Tổng cục Môi trường đã nhiều lần đưa ra cảnh báo mọi người nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã chính thức đưa ra 14 khuyến cáo và hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp có mức độ ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Trước tình trạng môi trường không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, vấn đề cần làm ngay lúc này là các cơ quan chức năng của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực môi trường để tìm giải pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả, giúp cải thiện môi trường không khí, bảo đảm sức khỏe của người dân. Các cơ quan có trách nhiệm phát ngôn cũng cần thông tin nhanh, chính xác diễn biến thực tế để người dân nắm bắt được sự việc, tránh gây hiểu nhầm, gây bức xúc trong dư luận.