Trách nhiệm khi ban hành văn bản hành chính

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta nhận được một văn bản hành chính với những căn cứ pháp lý vắn tắt bao gồm luật này, nghị định kia, thông tư nọ…, mới đọc số, nghe tên đã thấy khó hiểu.

Người có chuyên môn về pháp luật còn phải tra cứu ngược xuôi mới vỡ được ngọn ngành. Nếu văn bản hành chính đó đưa cho người dân chân chỉ hạt bột, một nắng hai sương, chắc họ lại càng khó hiểu hơn.

Đã có trường hợp tại huyện miền núi của một tỉnh phía bắc, UBND huyện gửi cho mỗi hộ dân một tờ thông báo thu hồi đất và thiết kế một loạt căn cứ pháp lý hết sức vắn tắt như vậy.

Dân đọc thấy nào là Luật Đất đai 2013, Nghị định số 43/2014, Nghị định số 01/2017, Thông tư số 30/2014…, rồi Quyết định…, rồi Tờ trình…, càng đọc, càng thấy rắm rối.

Riêng Luật Đất đai đã ẩn chứa hàng trăm điều luật. Riêng đề cập đến thu hồi đất đã có cả chục điều. Trong mỗi điều lại có bao nhiêu nào khoản, nào mục. Nếu căn cứ pháp lý của văn bản hành chính mà cứ xây dựng kiểu thế này, thì khác nào đánh đố người dân?

Trong trường hợp ở huyện miền núi của tỉnh phía bắc nọ, hầu như tất cả người dân đều không chịu nổi sự đánh đố, nên đã lựa chọn bỏ qua phần quan trọng nhất, chính là căn cứ pháp lý.

Họ hướng thẳng tới chỗ mà người soạn thảo văn bản muốn họ đọc mà không kịp căn cứ để suy ngẫm, đó là phần lý do thu hồi đất, với nội dung: Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Trong khi vốn dĩ bản chất của dự án ở huyện miền núi này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, vốn dĩ UBND huyện cũng không được phép gửi thông báo thu hồi đất, nhưng vì không có quy định về việc trình bày căn cứ pháp lý của văn bản hành chính phải minh bạch, cụ thể, rõ ràng đến từng điều, khoản, mục của các văn bản pháp quy, cho nên cơ quan cấp huyện nói trên mới có việc làm nêu trên.

Đây chỉ là một trong vô vàn các thí dụ sinh động, đau xót, tốn phí và cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều hành vi kiện tụng phức tạp.

Nếu các nhà lập pháp quan tâm và thật lòng suy nghĩ vì sự thượng tôn pháp luật thì không nên để tình trạng có những “cái bẫy căn cứ pháp lý” như vậy tồn tại trong hệ thống văn bản, quyết định hành chính.

Văn bản, quyết định hành chính cũng cần phải thể hiện sự “tôn nghiêm” giống như các bản án, có nghĩa là thể hiện việc áp dụng pháp luật trong đó phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch và gắn với trách nhiệm của người có thẩm quyền.