Trách nhiệm “giải cứu”

Trong cơn hoạn nạn được mùa mà không có vùng tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp của những người nông dân Hải Dương đã được người dân Hà Nội “giải cứu” một cách đầy nhiệt thành.

Hàng trăm điểm “giải cứu” nông sản xuất hiện trên khắp các địa bàn Thủ đô đã phần nào giúp người nông dân vốn quanh năm vất vả trong quá trình trồng cấy, sản xuất gỡ gạc lại phần nào số vốn đã đầu tư vào sản xuất. Những thiệt hại về kinh tế phần nào được giảm bớt. 

Trong nỗ lực giải cứu những người nông dân gặp khó khăn vì dịch dã trong cả tháng vừa qua, người ta vẫn không thể không biết rằng, những người nông dân trên địa bàn Hà Nội, nơi vốn là vùng tiêu thụ sản phẩm cho nhiều tỉnh lân cận cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Và thay vì “được giải cứu” như những người đồng nghiệp ở vùng có dịch Hải Dương, nông dân Hà Nội phải tự cứu mình hoặc đem sản phẩm mà mình đã tốn bao công sức đi “đổ sông đổ biển”.

Theo quy hoạch từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2020 đến năm 2025, tổng diện tích quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn của các tỉnh, thành phố cung cấp cho Hà Nội vào khoảng 22 - 26 nghìn ha; trong đó phân bố ở các vùng tập trung cụ thể là: TP Hà Nội 6.940 ha; Vĩnh Phúc 2.500 ha; Hà Nam 915 ha; Hưng Yên 710 ha; Bắc Giang 3.000 ha; Bắc Ninh 2.035 ha; Sơn La 460 ha; Hòa Bình 5.000 ha; Lào Cai 600 ha. Năm 2020 nhu cầu sử dụng rau an toàn tại TP Hà Nội khoảng 1.100.000 tấn (trong đó Hà Nội sản xuất 739.100 tấn, các tỉnh khác cung cấp khoảng 360.900 tấn). Đến năm 2025, nhu cầu sử dụng rau an toàn tại Hà Nội dự kiến vào khoảng 1.205.000 tấn, trong đó Hà Nội tổ chức sản xuất 799.200 tấn, còn lại 405.800 tấn được cung cấp từ các tỉnh khác.

Như vậy, nông sản Hải Dương vốn không phải nằm trong vùng sản xuất để cung cấp cho Hà Nội. Cũng bởi thế, khó có thể coi việc “giải cứu” nông sản cho Hải Dương là nguyên nhân của việc nông sản tại Thủ đô bị ùn ứ, không tiêu thụ nổi đến mức phải đem đổ bỏ như mấy ngày gần đây. 

Dịch dã đi qua sẽ khiến cho nền kinh tế bớt đi phần nào khó khăn, trong đó có bà con nông dân vốn đang khốn đốn vì một năm ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Việc ứng phó dịch ở từng địa phương cụ thể đã cho thấy mức độ phản ứng có kịp thời hay không, từ đó có ảnh hưởng tốt hay xấu tới cuộc sống của từng cá nhân nơi có dịch. Thời gian qua, nỗ lực từ ngành y tế rõ ràng là hiệu quả. Nỗ lực từ phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phần nào hỗ trợ được người dân. Có lẽ, giờ này người nông dân cần nhất là định hướng và sự hỗ trợ cụ thể từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi được trông cậy là có những quyết sách cụ thể và trực tiếp tới người nông dân - lực lượng đông đảo và nhạy cảm về kinh tế nhất.

Lúc khó khăn, người dân cần hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả thay vì những nhận định chung chung. Để “giải cứu” nông dân và nông nghiệp, cần trách nhiệm vĩ mô từ phía nhà quản lý chứ không thể chỉ trông chờ vào những tấm lòng của những con người vốn đã bị ảnh hưởng quá lâu vì dịch bệnh.