Thủy lợi hay thủy điện?

Khi miền trung lụt bão liên miên, gây thiệt hại lớn về người và của, thì chuyện về quy hoạch, xây dựng, điều hành liên quan các công trình thủy điện ở miền trung lại nóng lên. Nghị trường cũng nóng, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng nóng. Đó là chưa tính vấn đề thời sự này trên mạng xã hội nói riêng và dư luận xã hội nói chung cũng bị kích đẩy đến cao trào.

Thêm chuyện, Thủy điện Thượng Nhật ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế thay vì chủ động xả lũ theo lệnh điều hành của chính quyền, lại cố tình giữ nước cho mục đích phát điện, càng khiến dư luận “thêm nóng”.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia có xu hướng “minh  oan” thủy điện thì ví rằng, việc thoát nước qua hồ thủy điện giống như cho vòi nước chảy qua một cái chậu: Chậu vơi thì nước sẽ tích lại một ít. Vấn đề còn lại là “đón lũ” bao nhiêu thì cũng phải đồng thời “xả lũ” bấy nhiêu, nếu không đồng hành như thế, sẽ dẫn đến mất an toàn hồ đập.

Trên cơ sở nguyên lý “đón”, “xả” tự nhiên như thế, cộng với địa hình miền trung ngắn và dốc, càng lý giải rõ hơn lý do tại sao miền trung lại có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ đến thế. Do thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu là “đón” và “xả” tự nhiên (không cần phải làm cái “chậu” chứa nước quá to), ít và khó quan tâm đến tích nước, cắt lũ, cho nên vừa có thể tiết kiệm vốn đầu tư, vừa nhanh hoàn vốn.

Bản chất quy mô chằng chịt của các dự án thủy điện miền trung là chỗ đó.

Và khi miền trung nhằng  nhịt các dự án thủy điện, tất cả đều lo xả nước, vì mục đích kinh tế, lợi nhuận, trong khi việc tích giữ nước vì mục đích “an ninh môi trường”, “an ninh xã hội”, “an ninh canh nông”, “an ninh phi lợi nhuận” lại ít được chú trọng, nên gặp khi nước trời đổ xuống mênh mông, thì trăm sông cứ “vô tư” về biển cả...

Chính vì vậy, vấn đề đọng lại ở đây là quan điểm phát triển. Chỉ có xây dựng một quan điểm phát triển thủy điện minh bạch, bền vững, miền trung mới thoát được tình trạng mỗi khi có mưa lũ thì “trăm sông lại dồn về biển cả”.

Nhưng trước hết, muốn xây dựng một quan điểm như vậy, nhiều ý kiến cho rằng miền trung phải trả lời được câu hỏi: Giữ nước lại, hay trút nước đi? Giữ lại thì khó, trút đi thì dễ. Giữ nước ở lại thì làm hồ chứa đủ lớn, vì mục đích chống khô hạn. Tuy nhiên, muốn giữ nước thì phải làm hồ chứa với mục đích thủy lợi, nghĩa là hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt, hy sinh thủy điện.

Trở lại với câu chuyện của Thủy điện Thượng Nhật, vì sao một dự án nhỏ nhoi 11 MW lại dám “nhờn lệnh” đến cả UBND tỉnh. Đây không phải tình trạng của riêng Thừa Thiên Huế, nhiều tỉnh miền trung khác đã từng vướng vào cảnh huống tương tự.

Vị thế đất nước ngày nay đã rất thuận lợi, nhất là các địa phương ven biển và gần biển như miền trung đã không còn buộc phải lựa chọn con đường phát triển bằng mọi giá. Vậy thì mong miền trung sẽ mạnh dạn và quyết liệt lựa chọn một con đường xanh cho phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững.