Thống nhất trong xử lý tình huống khẩn cấp

Cho đến thời điểm này, người dân cả nước dần trở lại với những mối quan tâm thường nhật. Học sinh đã cắp sách tới trường kể từ khi nghỉ Tết. Phần lớn các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đã khởi động lại dù vẫn có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, cũng là lúc các cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại những thành công và cả những điều cần rút kinh nghiệm trong quá trình xử lý tình huống đợt dịch Covid-19 vừa qua nhằm điều hành công việc và phục vụ người dân ngày càng tốt và hiệu quả hơn.

Trong quá trình chống dịch, đã thấy một số bất cập, gây phản ứng từ phía người dân với một số quy định chưa phù hợp. Để từ những phản hồi ấy, cơ quan chức năng phải có điều chỉnh cấp thiết đối với những hành vi gây khó khăn hoặc can thiệp quá mức vào đời sống.

Ở một số địa phương, hàng rào, đống đất ở những con đường cao tốc nhằm không cho người dân di chuyển đã được dỡ bỏ. Một số hoạt động mang tính “ngăn sông cấm chợ” cũng đã nhanh chóng được Chính phủ chấn chỉnh. Những chuyến đò ngang đã lại được di chuyển trở lại.

Đã thấy nhiều người không còn sử dụng khẩu trang trong quá trình sinh hoạt ở nơi công cộng, dù rằng quy định sử dụng các biện pháp an toàn vẫn chưa được dỡ bỏ hẳn. Có lẽ, hoặc là xử phạt người vi phạm để giữ vững kỷ cương, hoặc là cần nhanh chóng thay đổi quy định để phù hợp thực tế cuộc sống.

Cho tới những ngày cuối tháng 4, từng dòng người nườm nượp kéo nhau về các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Trong số họ, có người về quê sau thời gian có tỉnh chặn đường quốc lộ 6 để ngăn người “lạ” lên tỉnh này. Trong thời kỳ Thủ tướng quy định cách ly toàn xã hội, nhiều người đã phải bỏ dở lộ trình bởi quy định của tỉnh miền núi này: hoặc lên núi để rồi bị cách ly nhiều ngày. Hoặc chấp nhận vận động quay xe trở về nơi xuất phát. Không có ngoại lệ.

Hay việc mấy ngày qua, có nơi vẫn còn tình trạng, những người chống dịch chặn một số xe để kiểm tra thân nhiệt. Dù rằng trong số dòng người đông đúc ấy, lượng người bị kiểm tra chỉ là con số cực kỳ khiêm tốn. Đương nhiên, hoạt động kiểm dịch chỉ mang tính hình thức, không còn giá trị thực tế.

Một số hành động mang tính hình thức kiểu như trên, cần chấm dứt nếu không muốn những người tham gia sinh hoạt trong môi trường công cộng nhờn luật. Thí dụ, như cắm biển cấm xe máy ở một số cây cầu vượt tại Hà Nội nhưng cho tới tận bây giờ chẳng thấy có ai chịu tuân theo.

Điều quan trọng nhất là cần phải xây dựng một hành lang pháp lý điều chỉnh những hành vi, quy định của mỗi địa phương trong điều kiện khẩn cấp. Tránh được cảnh mỗi nơi một kiểu như trong thời gian chống dịch vừa qua. Để không còn cảnh cứ mỗi lần dư luận lên tiếng, lại phải có những chỉ thị can thiệp trực tiếp đối với hoạt động từng địa phương cụ thể.