Thành phố đáng sống

Có nhiều tranh cãi về một thành phố như thế nào gọi là đáng sống. Ở mỗi góc độ cá nhân, mong muốn ấy luôn được chia nhỏ đến mức tỉ mẩn, để trở nên vô cùng đa dạng, nhiều mầu sắc. Thế nhưng, dù thể hiện ở mức độ cá nhân cỡ nào thì các tiêu chí về một thành phố đáng sống vẫn không thể vượt ra ngoài ba yếu tố, bao gồm: Văn hóa, cảnh quan và quản trị.

Văn hóa là những đặc trưng do con người trải qua quá trình thích nghi, ứng biến với tự nhiên và đối nhân, xử thế mà hình thành. Nó có chiều sâu không gian, thời gian và âm hưởng, gia vị riêng biệt, rất khó trộn lẫn.

Cảnh quan hàm chứa sự hài hòa của các điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu bên cạnh các tạo hình kiến trúc hình thành bởi tự nhiên và sức sáng tạo của con người.

Và cuối cùng, một sự quản trị tốt bao giờ cũng đem lại những trật tự tốt: Về giao thông, về xây dựng, về kinh tế - chính trị, về xã hội, về hành chính…

Một thành phố đáng sống là khi cả ba yếu tố nói trên đều để lại dư âm tốt đẹp. Nó khiến người ta muốn đến, muốn lưu lại và thậm chí muốn gắn bó trọn đời.

Ở nước ta, đã lan truyền về một nơi và chỉ một nơi như vậy, đó là Đà Nẵng.

Người ta bảo Đà Nẵng có cả chục lý do đáng sống như có bờ biển đẹp, có danh lam, thắng cảnh, lại nằm trong chuỗi du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An. Thời tiết lại khá lý tưởng khi mùa mưa bão thường đến muộn và không kéo dài. Ngoài những yếu tố địa lý, tự nhiên thuận lợi, Đà Nẵng còn có những yếu tố “nhân định” vượt trội như quy hoạch thoáng đãng, xây dựng trật tự, đường phố sạch sẽ, không khí trong lành. Phần đông du khách đến Đà Nẵng đều cảm nhận được không khí thân thiện. Người dân sống ở Đà Nẵng đều có cảm nhận về một nền móng quản trị khá tiến bộ, do đó đã góp phần mang lại những chất lượng dịch vụ công cùng điều kiện sống, sinh hoạt, phúc lợi lý tưởng hơn những sự so sánh khác.

Đáng tiếc, nước ta cũng có nhiều thành phố ven biển, nhưng lại không thể lan truyền được dư âm tốt như vậy. Hầu như các thành phố ven biển khác đều chỉ đáng sống ở mặt tiền, trong khi chiều sâu quy hoạch, xây dựng, quản trị chưa được quan tâm tương xứng.

Và khi một thành phố tự tạo ra trong “cơ thể” mình sự phân hóa về khu vực đáng sống như vậy, thì không bao giờ nó có thể trở thành một thành phố thật sự đáng sống.