“Tất cả các dòng sông đều chảy”

Không lãng mạn như tên của bộ phim nước ngoài đã khiến bao người phải bỏ thời gian ra theo dõi, cái cách mà người ta “cư xử” với sông Tô Lịch gần đây đã khiến cho bao người yêu Hà Nội hoang mang. Tìm hiểu thì thấy, cả hai cách từ phía hai đơn vị xử lý nước thải cho sông Tô đều có vấn đề.

Sông Tô Lịch hằng ngày phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải sinh hoạt trực tiếp đổ thẳng ra sông thông qua 300 ống cống nhỏ, to các loại. Đương nhiên, chừng ấy nước thải đã khiến cho con sông chảy trong lòng thành phố đổi mầu, bốc mùi. Cũng đã lâu rồi, bờ con sông vắng bóng người qua lại, đừng nói tới có người câu cá mỗi mùa nước lũ đổ về từ sông Cái. Chỉ cách đây vài thập kỷ, nhiều người vẫn đi câu cá ở sông Tô Lịch về cải thiện cho những bữa cơm thời kham khó.

Rồi bỗng dưng, thấy có hai đơn vị cùng tham gia vào việc thử nghiệm cải thiện mầu và mùi của sông Tô Lịch. Đơn vị thứ nhất cung cấp chế phẩm redoxy 3C từ nước Đức (đơn vị được giới thiệu là đã tham gia cải thiện thành công nhiều hồ trên địa bàn Hà Nội). Đây là loại chế phẩm dạng bột hột để rắc hoặc phun xuống hồ ô nhiễm. Dù có nhiều tranh cãi, nhưng hiện giờ nó vẫn đang được dùng để cải thiện môi trường nhiều hồ ở Hà Nội. Đơn vị thứ hai sử dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, làm sạch nước nhiễm bẩn bằng máy sục khí nano và các tấm vật liệu bioreactor (giới thiệu là được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).

Người ta đã nói về hiệu quả của công nghệ Nhật Bản như thế này: Công nghệ của chúng tôi có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3 nước/ngày đêm. Tốc độ xử lý bằng 6 lần tốc độ âm thanh. Công nghệ này được ví như nhà máy xử lý nước thải ngay dưới lòng sông.

Nhưng ít ai để ý rằng, cả hai thứ chế phẩm và công nghệ của hai đơn vị xử lý ô nhiễm thử nghiệm trên sông Tô Lịch đều là phương pháp được dùng để xử lý ô nhiễm cho nước ao, hồ. Là những nơi có nguồn nước tù, ít dao động.

Vậy nên mới thấy, gần đây, dư luận ồn lên vì chuyện người ta xả nước Hồ Tây làm trôi sạch những vi sinh vật hiếu khí của đơn vị Nhật Bản đang thử nghiệm công nghệ “miễn phí” cho Hà Nội ở sông Tô Lịch mà ít ai để ý rằng, đã là sông thì tất cả các dòng sông đều chảy. Có người còn cho rằng, đây là cách thiếu tôn trọng, đi ngược lại nỗ lực của những người đang muốn cống hiến cho một dòng sông sạch của Thủ đô.

Nếu có niềm tin thì có thể thấy công nghệ ấy, các tấm đá núi lửa ấy vẫn còn, máy sục khí vẫn chạy và tốc độ xử lý tới 6 lần tốc độ âm thanh, thì số lượng vài triệu m3 nước Hồ Tây cũng chỉ trôi nhanh trong thời gian ngắn. Rồi dòng sông sẽ sạch và trong thôi.

Chưa kể, đây mới là hoạt động thử nghiệm. Mà thử nghiệm thì cũng không thể nói là hoàn toàn làm miễn phí cho Hà Nội. Thử nghiệm xong, có hiệu quả, để triển khai làm sạch nước cả dòng sông đương nhiên Hà Nội phải trả phí. Như vậy, phải xác định đây là hoạt động mang tính nghiên cứu - kinh doanh, không phải là làm từ thiện.

Nhiều người cho rằng, thay vì cứ tranh cãi xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ này, chế phẩm nọ, có lẽ sẽ hiệu quả và thực tế hơn là chung tay tìm cách xử lý hữu hiệu cho khoảng 300 cái cống đang xả thải trực tiếp ra sông Tô Lịch, vốn đến nay chưa thấy giải pháp nào khả thi.