Tâm tư từ một cuộc thi

Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” vừa kết thúc với chiến thắng dành cho cô bé học sinh THPT đến từ Kim Sơn (Ninh Bình). Đây là cuộc thi lớn dành cho lứa tuổi học sinh THPT, đang trong thời kỳ gấp rút tích lũy kiến thức để làm nền móng cho chặng đường phát triển tiếp theo. 

Bên cạnh sự vỡ òa bởi niềm vui chiến thắng, sự nghẹn ngào tiếc nuối của những thí sinh đứng ở vị trí đằng sau, thấy có cả sự băn khoăn, đáng suy ngẫm từ những con số tổng kết của ban tổ chức cuộc thi. Đã 21 năm kể từ kỳ thi đầu tiên, hầu hết các quán quân của cuộc thi đã đi du học nước ngoài và trong số họ những người trở lại quê nhà đếm không hết năm đầu ngón tay.

Đã có nhiều người lên tiếng về hiện tượng này, cả cảm thông chia sẻ, cả tâm tư. Có hai luồng ý kiến chính:

Thứ nhất, những nhà vô địch trong cuộc thi dành cho lứa tuổi học sinh THPT đều còn rất trẻ, họ cần được tiếp cận phương pháp học tập và làm việc hiện đại. Bởi nền giáo dục tại Việt Nam chưa đủ đáp ứng cho sự phát triển học tập, nghiên cứu và cả sinh sống của họ.

Thứ hai, tại sao sau khi đã có trình độ học vấn cao, năng lực chuyên môn tốt hơn, những nhà vô địch không trở về để góp sức xây dựng đất nước mà lại ở lại nước sở tại hoặc tìm một quốc gia khác để sinh sống và làm việc. 

Bỏ qua những luồng ý kiến khác nhau, để nhìn thấy sự thật rằng, cho tới tận năm 2020 này, các nhà vô địch của chúng ta vẫn bảo lưu quan điểm rằng họ “không phù hợp” môi trường làm việc, nghiên cứu, giáo dục và sinh hoạt tại Việt Nam. Có người thực tế hơn, rằng “em phải lo cho con em trước”.

Rõ ràng, chúng ta đang quyết tâm xây dựng một môi trường ổn định về kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục và y tế ngày một hiện đại hơn. Ngày càng nhiều nhà khoa học người Việt Nam có học vấn, trình độ cao được quốc tế trân trọng đã chọn cách về Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, làm việc và giảng dạy. Kể cả từ thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng, chúng ta không thiếu tấm gương sáng về khoa học, giáo dục, từ bỏ môi trường làm việc thuận lợi để trở về xây dựng quê hương. Đất nước luôn cần những người có năng lực, sở hữu vốn kiến thức đầy đặn để xây dựng và phát triển.

Phải thấy rõ ràng rằng, lối suy nghĩ “nhà trước, nước sau” sẽ biến những nhà vô địch trở thành những cá nhân lẻ loi, tắt dần ánh hào quang chiến thắng đầy vinh quang của cuộc thi trí tuệ. Dù rằng chẳng ai có thể trách cứ họ, vì sự lo lắng cho điều kiện bản thân cũng quan trọng. Còn sự cống hiến cho gia đình, xã hội… chưa bao giờ bị coi là điều bắt buộc.

Việc vinh danh nhà vô địch đồng nghĩa với việc khoác cho họ những kỳ vọng với cộng đồng, xã hội trong tương lai. Trách nhiệm của mỗi nhà vô địch, không chỉ là cách họ sử dụng năng lực bản thân và sự tôn trọng của xã hội chỉ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cá nhân mình.