Sai thì phải xử lý

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) Phạm Xuân Phương mới trao đổi với báo chí về việc xử lý các công trình sai phạm vì xây dựng trên diện tích đất rừng thuộc địa bàn huyện. Trong đó cho biết, sẽ tiến hành cưỡng chế những công trình vi phạm nếu như các gia đình không tự giác tháo dỡ.

Còn nhớ, tháng 10-2018, thành phố Hà Nội đã thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng từ năm 2008 tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Chính phủ cũng đã có yêu cầu thành phố Hà Nội thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn tám xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Đến cuối tháng 3 năm nay, thành phố đã công bố kết luận thanh tra, chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Tính riêng hai xã Minh Phú và Minh Trí cùng với khu vực ven bảy hồ lớn trong quy hoạch rừng, đã phát hiện 797 công trình vi phạm. Năm tháng sau khi có kết luận thanh tra, hàng chục cán bộ của huyện đã bị xử lý về nhiều mặt. Tuy nhiên, những công trình vi phạm bị cơ quan chức năng “chỉ mặt đặt tên” cho tới bây giờ vẫn... còn nguyên. Dù cho sai phạm đã rõ ràng, nhưng cơ quan chức năng chưa hề có thái độ quyết liệt trong xử lý.

Không chỉ ở Hà Nội, rất nhiều trường hợp tương tự có thể điểm mặt, chỉ tên trong việc chậm trễ giải quyết những vi phạm về trật tự xây dựng cũng xảy ra tại không ít địa phương. Thậm chí có những trường hợp được giải thích rằng, đang xin phép cơ quan chức năng để khắc phục sai phạm. Một số vụ việc, chữ “khắc phục” được hiểu rằng “xin nộp phạt để cho tồn tại”.

Nếu như chính quyền thật sự quyết liệt trong xử lý sai phạm, có lẽ những khu đô thị sai phép, những tòa cao ốc vượt tầng, tăng căn, thậm chí không phép sẽ không có cơ hội mọc lên và ngang nhiên tồn tại. Bởi theo luật định, những công trình sai phạm sẽ buộc phải tháo dỡ.