Nhãn được mùa

Vẫn nhớ câu chuyện, xưa, mỗi năm thấy nhãn được mùa, cư dân đồng bằng Bắc Bộ bảo nhau, thế nào nước cũng tràn đê sông Cái. Cũng vẫn nhớ rằng, trong số mấy loại giặc thủy, hỏa, đạo tặc... không tự nhiên mà thủy được đưa lên hàng đầu. Và cho tới thời điểm này, thực tế đã cho thấy, dù đã tìm nhiều cách đối phó, thủy tặc vẫn luôn đem lại những hậu quả nặng nề, đau đớn và mất mát nhiều nhất.

Mấy ngày này, những thông tin từ cơ quan chức năng liên tục dội về, cho thấy, nước lũ miền tây dâng cao (dù rằng ở vùng đất này, lũ là... “đặc sản”) khi mà vùng nước nổi vẫn chưa vào mùa chính... lũ. Nước ngập cao và có diễn biến phức tạp, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Cơ quan chức năng đã cảnh báo vậy. Gần đây nhất, tại cuộc họp về ứng phó thiên tai khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cán bộ của Tổng cục Phòng chống thiên tai đã cảnh báo, sau sự cố vỡ đập ở Lào, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đã nhận định, nước lũ tăng lên không đáng kể. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh ngược lại. Và đến thời điểm hiện tại, người ta không thể tính toán được lượng nước từ đập thủy điện Lào đổ về.

Thiệt hại, chẳng phải chỉ nước Lào. Đương nhiên bà con ta gánh chịu.

Cũng chả phải là chuyện gì lạ lẫm, người dân vùng đất Chương Mỹ (Hà Nội)... những ngày này đang căng sức ra để mà... bơi. Nước sông dâng cao, đê Bùi chưa vỡ nhưng đời sống bà con đã rất khổ cực.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết: Nước đã tràn vào nhà gần 3.000 hộ dân của 10 xã, thị trấn ở huyện Chương Mỹ. Trong đó, vùng bị ngập sâu là Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai); Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn (xã Nam Phương Tiến); xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xóm Khúc Bằng, thôn Việt An - xã Tân Tiến. Các thôn Yên Trình, Thuần Lương (xã Hoàng Văn Thụ) bị cô lập. Huyện Chương Mỹ cũng đã sơ tán 4.021 người dân các xã Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai.

Mới đây thôi, phát ngôn trước dư luận, có cán bộ giải thích rằng: “Nước ngập không phải do thủy điện Sông Đà”. Đó có thể coi là cảnh báo từ cơ quan chuyên môn. Nhưng, có lẽ cho tới thời điểm này, bà con (những người đang phải leo nóc nhà trốn lũ) cũng chả có nhu cầu quan tâm rằng: nước đến từ đâu. Bởi họ còn phải lo neo giữ nhà cửa, bảo vệ tài sản và tính mạng. Điều đó quan trọng hơn nhiều.

Đã có những động thái tích cực từ cơ quan chức năng. Thiệt hại về người tạm thời chưa tính tới. Nhưng, đã đến lúc phải lường trước những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Để từ đó, mới giảm được đến mức thấp nhất thiệt hại. Cả về người và của.

Thực tế đã chứng minh, không thể bàng quan khi “hàng xóm” gặp nạn. Vùng lũ miền tây, vẫn phải căng mình chống cơn lũ “đặc biệt”. Và vùng lân bang Hà Nội... cũng chẳng thể chủ quan với giặc thủy, càng không thể coi “đấy chẳng phải việc của mình”.

Bởi chắc chắn rằng, năm nay, mưa bão diễn biến ngày càng phức tạp.