Ngành văn hóa hãy sôi nổi hơn

Dịch Covid-19 kéo dài làm cho không khí nhiều lĩnh vực chừng như hơi “ỉu” đi! Làm sao tươi tắn, tưng bừng cho được, khi để phòng vệ cần thiết, rất nhiều hoạt động trong sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải, du lịch… đều phải hạn chế, gia giảm, điều chỉnh, thậm chí dừng lại.  

Nhưng cũng chính trong bối cảnh ngặt nghèo, thời gian qua, trong và giữa những đợt xâm nhập của dịch bệnh, đã có không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị, bộ phận và quần chúng nhân dân nỗ lực khắc phục tình thế, sáng tạo những hình thức làm việc, vận hành, giao dịch phù hợp, để tiếp tục tồn tại, duy trì.

Xu thế linh hoạt, ứng biến này, nên chăng trở thành một câu hỏi với ngành văn hóa? Cụ thể là với các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, các đơn vị văn hóa văn nghệ trung ương, địa phương. Cũng trong tình hình phát triển du lịch rất đỗi chật vật hiện nay, cùng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, các trận bóng đá vốn thường tụ tập đông người phải dừng, hoãn, khó lòng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của đông đảo công chúng, thì những khởi xướng, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa rất được kỳ vọng giúp làm giảm bớt không khí kém sôi động của đời sống tinh thần do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Thực tế là đã có kha khá những gợi mở từ các hoạt động của một số cá nhân, nhóm, một số cơ quan, đơn vị trong mùa dịch. Có hoạt động đơn lẻ, có hình thức hợp tác, như triển lãm, bán đấu giá tranh và livestream biểu diễn ca nhạc gây quỹ ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch; sáng tác bài hát nhạc mới hoặc đặt lời cho các làn điệu chèo, xẩm, cải lương… kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng… Hoặc các hình thức nghệ thuật online, giúp công chúng ở nhà vẫn được nghe hát, xem tranh ảnh, giao lưu với nghệ sĩ. 

Đó chính là những gợi ý hay với ngành văn hóa trong tình hình dịch bệnh kéo dài hiện nay, thậm chí có thể còn nhiều bất thường về lâu dài, đòi hỏi các lĩnh vực và toàn dân xác định vừa duy trì đời sống, vừa phòng, chống dịch. Các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần chủ động tham khảo và sáng tạo để có thêm nhiều cách thức, nội dung phù hợp với tình hình xã hội hiện nay hơn nữa. Nên khởi xướng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần khích lệ, truyền cảm hứng cho đông đảo văn nghệ sĩ trong xã hội để cùng sáng tác, trình diễn phục vụ công chúng bằng những hình thức phù hợp qua mạng, qua sóng truyền hình, phát thanh, trong những không gian bảo đảm giãn cách và vệ sinh phòng dịch.  

Cái khó, tuy bó cái khôn, nhưng cũng nên nhận thấy rằng, trong vất vả, căng thẳng, văn hóa nghệ thuật có thể góp phần truyền thêm sức mạnh giúp người ta vượt qua những khó khăn, thách thức đặt ra giữa những ngày dịch bệnh. Các đơn vị chủ quản trong lĩnh vực văn hóa cần tích cực thúc đẩy, phát huy tinh thần này.