Ngăn chặn nguy cơ thất thoát ngân sách

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, việc xóa bỏ dự án đầu tư BT được đánh giá là một trong những quyết định mang tính quyết đoán và ấn tượng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với cử tri và đất nước. Gần như ngay sau khi được thông qua, các cơ chế loại bỏ dự án BT đã lập tức vận hành.

Nhiều năm nay, bất cập tại không ít dự án BT (thường gọi nôm na là đổi đất lấy hạ tầng) dấy lên những lo ngại trong lòng công chúng. Bởi hầu hết các dự án BT là đổi đất (chứ không đổi tiền). Chủ đầu tư bỏ tiền xây dựng hạ tầng chuyển giao cho Nhà nước, còn Nhà nước dùng quỹ đất đổi trả cho nhà đầu tư. Về nguyên tắc và nếu được triển khai nghiêm túc thì đây là một chủ trương đúng đắn, góp phần tạo thêm nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên việc triển khai trong thực tế tại một số địa phương, công trình lại bộc lộ không ít bất cập, biến tướng, có vấn đề ở chỗ: Thứ nhất, phần lớn nhà đầu tư đều được chỉ định thầu. Thứ hai, đất đổi trả là đất chưa có hạ tầng, nên có giá trị thấp. Thứ ba, đất đổi trả thường không được đấu giá, nên càng có giá trị thấp hơn đất chưa có hạ tầng cùng loại. Đó là khe hở để nhà đầu tư kiếm siêu lợi nhuận. Đơn giản là nhà đầu tư bỏ thêm một chút hoặc nhiều chút hạ tầng, rồi bán thành đất chia lô, sàn thương mại, chung cư, nhà mặt phố cao cấp… và kiếm bộn tiền. Cánh hẩu, lợi ích nhóm, tham nhũng cũng từ đó mà lớn mạnh.

Có địa phương một năm chuẩn bị cả nghìn ha đất dự kiến đổi cho nhà đầu tư BT. Đổi xong, dù đất không “bờ xôi ruộng mật” cũng thành vàng. Còn đất vàng dĩ nhiên có thể biến thành kim cương. Cho nên, người ta bảo dự án BT là những mỏ lợi nhuận kếch xù cũng không lấy gì làm khó hiểu.

Tỷ lệ phiếu biểu quyết 92,75% loại bỏ dự án BT là một cú đánh mạnh, không khoan nhượng vào ý đồ trục lợi thông qua lợi ích nhóm. Và có thể hơn nữa, còn là tín hiệu dự báo tiến tới xóa bỏ những cách làm, ý đồ thiếu trong sáng tương tự khác.