Mục đích cần hướng tới

Từ nhiều năm nay, nước ta là cường quốc xuất khẩu lương thực. Năm nay do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, lượng gạo xuất khẩu từ vụ đông xuân có thể đạt tới hơn ba triệu tấn. Sau hai tháng nữa, sẽ có thêm hơn bốn triệu tấn gạo xuất khẩu từ vụ lúa hè thu. Có nghĩa là nước ta đang dư thừa lương thực vào thời điểm được giá. Đây là cơ hội lớn cho nông dân cả nước.

Để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Thủ tướng Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo. Sau khi soát xét nhu cầu và lượng lương thực hiện có, ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo với số lượng 400.000 tấn trong tháng 4-2020.

Khi thị trường gạo chưa kịp rục rịch tăng giá, hơn một ngày sau, lúc 0 giờ ngày 12-4, Tổng cục Hải quan mở tờ khai điện tử xuất khẩu gạo. Trời chưa sáng, hàng loạt doanh nghiệp đã đăng ký hết lượng gạo hạn ngạch xuất khẩu. Rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp đang bị ùn ứ hàng trăm nghìn tấn gạo tại cảng đã không kịp “chen chân” đăng ký xuất khẩu gạo.

Trước phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp và công luận, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình xuất khẩu gạo, báo cáo trước ngày 30-4. Chắc rằng sẽ có một quy trình xuất khẩu gạo hợp tình, hợp lý, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, có một thực tế dù kết luận của đoàn liên ngành có chính xác đến đâu, sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có cao đến mấy, thì người làm ra hạt lúa dường như vẫn đứng ngoài cuộc như thực tế vẫn diễn ra lâu nay. Chưa kể, việc các doanh nghiệp tranh giành xuất khẩu gạo vô hình trung đã thể hiện một điều: giá lúa trong nước quá thấp so với giá lúa thế giới. Có nghĩa là, dù giá lúa thế giới có cao đến bao nhiêu thì nông dân nước ta hầu như vẫn chưa hoàn toàn được hưởng lợi từ đó.

Chính vì vậy, cái đích cuối cùng cần hướng tới của quản lý xuất khẩu gạo phải là vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa bảo đảm cho nông dân được hưởng phần lớn lợi nhuận từ giá lúa tăng cao. Mô hình lý tưởng là các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực như những “người vận chuyển” trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu lương thực. Chỉ khi những người làm ra hạt lúa được hưởng phần xứng đáng từ đó, an ninh lương thực mới được bảo đảm bền vững!