Lắng nghe trẻ em nhiều hơn

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách và hoạt động tích cực chăm lo thế hệ măng non của đất nước.

Từ sự phát triển của y tế trong việc đón các em bé chào đời, đến chăm sóc, điều trị các bệnh nhi về cả chính sách ưu tiên lẫn điều kiện khám, chữa bệnh. Từ công tác giáo dục trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cho đến các cấp học và từng bước định hướng nghề nghiệp. Từ các hoạt động vui chơi, giải trí được phát triển trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các địa phương, địa bàn, cho đến hàng loạt các hình thức trang bị kỹ năng sống, ngôn ngữ, giao tiếp, đến cả các hình thức theo dõi, chăm lo cho trẻ về tâm lý, tinh thần…

Thường xuyên và liên tục, sự ăn uống, vui chơi, mặc, học hành, đi lại, hoạt động cộng đồng, phát triển thể lực, thẩm mỹ, năng khiếu và trí tuệ của trẻ được các cơ quan chức năng, được xã hội nói chung cũng như mỗi gia đình nói riêng chú trọng với mục tiêu chăm lo tốt hơn, ngon hơn, sạch đẹp hơn, an toàn hơn, đa dạng hơn cho các em. Trên nhiều lĩnh vực, các công tác, hoạt động liên quan đến đối tượng là trẻ em đã giành được những thành tựu đáng kể, góp phần phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho đối tượng trẻ em, định hướng và cổ vũ xã hội trong sự nghiệp vì trẻ thơ lâu dài và đáng quý.

Trong những ngày này, Quốc hội đang tiếp tục bàn thảo về vấn đề bảo vệ trẻ em; ngành văn hóa, xuất bản đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm nghệ thuật, ấn phẩm mới, góp phần mở rộng thế giới tâm hồn của các em; ngành giáo dục đang nỗ lực triển khai chương trình học tập cho các em sau thời gian dài cả nước chống dịch với những cố gắng rất lớn của hệ thống nhà trường và đội ngũ giáo viên; hàng loạt các hoạt động thăm tặng quà, giao lưu với trẻ em được các cấp lãnh đạo, cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội triển khai…

Đó là những điều rất đáng ghi nhận và xứng đáng được các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước trân trọng, biết ơn. Bởi rõ ràng, không có sự chăm lo, săn sóc chu đáo, tận tình của các bậc ông bà, cha mẹ, của gia đình và xã hội, thì sẽ khó có sự phát triển, trưởng thành vững vàng, tốt tươi, lành mạnh của các em, các cháu sau này.

Và để thành quả chăm sóc, vun đắp ấy ngày càng to lớn, bền vững hơn, bên cạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một đòi hỏi không hề nhỏ và cũng không thể lơ là, chính là việc người lớn cần tiếp tục tăng cường lắng nghe, trò chuyện, đối thoại với trẻ. Thực tế đang đòi hỏi công việc này phải được thực hiện liên tục và chu đáo, bằng tất cả tâm huyết của người lớn và sự chia sẻ hồn nhiên, vui tươi, thoải mái của trẻ. Từ các bậc cha mẹ trong nhà, đến những người quản lý xã hội, phụ trách các lĩnh vực đều cần phải chú trọng điều này và nâng lên thành nghĩa vụ. Bởi rất nhiều vấn đề của xã hội cũng như quan niệm của không ít người lớn về vai trò quyết định của mình dường như có xu hướng át đi sự phát huy tiếng nói, nguyện vọng của trẻ. Dường như, trong nhiều trường hợp, sự săn sóc, lo toan cho trẻ vẫn còn không ít điều mà người lớn quan niệm chứ chưa thật đúng với những điều mà các em mong muốn.

Sự lắng nghe, đối thoại với trẻ, mở ra cho trẻ nhiều hơn các diễn đàn cả ở tầm vĩ mô của xã hội lẫn vi mô trong mỗi gia đình, để trẻ tích cực và tự tin thể hiện ý kiến, ý tưởng của mình, chính là chìa khóa để người lớn gần gũi, thấu hiểu trẻ em hơn, vì thế mà sẽ chăm lo cho các em, trong cả hiện tại và tương lai được tốt hơn.