Kỳ vọng sự khách quan, công tâm của những cuộc thi

Trong cuộc sống hiện nay, luôn có những cuộc thi. Thi từ những môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa cho tới khoa học xã hội như thi văn, sử, thi ca hát, thi đấu thể thao... 

Sau mỗi cuộc thi ấy, cơ bản các ban giám khảo đều tìm ra những người đứng đầu xứng đáng. Qua nhiều cuộc thi được mong chờ trong nước và cả những cuộc thi danh giá ở tầm châu lục và thế giới, người Việt Nam đều đã từng ghi danh.

Có lẽ chẳng mấy ai quên được thế hệ vàng của cờ vua nhiều năm trước. Những cái tên mà tới bây giờ bạn bè quốc tế vẫn bày tỏ sự tôn trọng. Cũng chẳng ai quên những nhà khoa học đã được ghi danh ở nước ngoài, bỏ hết cuộc sống cao sang, đủ đầy vật chất để về nước cống hiến, hy sinh mong đồng bào bớt phần cơ cực. Những tên tuổi nghệ sĩ dù sinh sống ở nước ngoài vẫn luôn khiến cho người ta nhớ rằng, nước Việt Nam không phải không có những tài danh xứng tầm thế giới.

Cuộc thi, vốn là để chọn ra người thắng cuộc. Tôn vinh môn thi cũng có khi tạo nên sự nghiệp mỗi con người. Vậy nên, trong cuộc thi có thắng, có thua. Chẳng thể nào tất cả đều là người chiến thắng.

Thông thường, những vị giám khảo trong mỗi cuộc thi mà người ta tổ chức đều là những “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực của họ. Uy tín, sự nghiệp mỗi cá nhân giám khảo tạo nên sức hút, sự cạnh tranh cho mỗi người tham gia cuộc thi với kỳ vọng mình là người chiến thắng. Có lẽ chẳng mấy người đi thi (dù là bất cứ cuộc thi nào) lại không mong mình là người thắng cuộc. Và chẳng mấy người thắng cuộc lại chỉ chăm chăm trông vào giải thưởng với giá trị vật chất cụ thể. Cái mong ước một chiến thắng vinh quang, được đối thủ “tâm phục khẩu phục” mới là cái đích mỗi cá nhân kỳ vọng khi tham dự bất cứ cuộc thi nào.

Đã đi thi là chấp nhận đối đầu, phân cao thấp. Và thi xong, ai nấy đều phải trở về với cuộc sống của bản thân, gia đình. Về với giá trị thực của bản thân, với thực tại của những ngày thường nhật.

Ở cái sự thắng thua mong manh trong mỗi kỳ thi ấy (nói là mong manh bởi đã thi đôi khi có phần may rủi), người bị coi là bại trận có mấy ai không ấm ức trong lòng? Nhưng đã đi thi, là chấp nhận cái sự xét nét, chấp nhận cả những quyết định đưa ra từ ban giám khảo. Cho dù cũng không phải lúc nào những người chịu trách nhiệm cầm cân nảy mực đã hẳn nhiên đưa ra quyết định được coi là đúng đắn.

Vậy nên đi thi và kết thúc mỗi cuộc thi, cái được nhất người tham gia đem về là kinh nghiệm, là sự tôn trọng từ đối thủ, từ phía những khán giả thực tâm theo dõi những điều mình đem ra thi thố chứ không chỉ là danh hiệu nhất thời. Bởi thực tế đã chứng minh rằng, không phải bất cứ gì được số ít người mang danh là đại diện công nhận đã có thể tồn tại lâu trong lòng nhân loại. Cái hay, cái tốt tự thân nó sẽ trường tồn.

Vì thế, rất cần sự đánh giá khách quan, công tâm từ phía các thành viên ban giám khảo của mỗi cuộc thi. Để làm sao, kết quả của các cuộc thi luôn lựa chọn được người đạt kết quả xứng đáng và người chiến thắng trong mỗi cuộc thi thật sự xứng đáng với danh hiệu họ nhận được. Đó cũng là kết quả ghi nhận sự đánh giá khách quan, công tâm của các thành viên ban giám khảo mỗi cuộc thi mà mọi người gửi gắm, kỳ vọng.