Không thể vô can

39 cán bộ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có cả nguyên Chủ tịch UBND huyện và hai Phó Chủ tịch đã bị kỷ luật vì những sai phạm xảy ra tại huyện này, cho thấy những đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý, dù cho đó là ai...

Những con số cụ thể từ phía cơ quan chức năng cho biết, đã có 29 trường hợp cán bộ ở huyện Sóc Sơn bị khiển trách, sáu người bị cảnh cáo; cách chức hai người và buộc thôi việc hai người là công chức, cán bộ hợp đồng trong tổng số 80 người bị xem xét kỷ luật. Đây có thể coi là một vụ việc cá biệt, trong đó, rất nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước vi phạm đến mức bị kỷ luật ở một huyện.

Liên quan đến vụ việc này, cuối tháng 3 năm nay, thành phố Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ rõ đã có hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng huyện Sóc Sơn. Tính riêng hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven bảy hồ lớn trên địa bàn, đã có tới 797 công trình vi phạm. Nhiều công trình vi phạm trong thời gian hai năm (2017 - 2018) đã bị cưỡng chế. Những công trình vi phạm trong giai đoạn 2006 - 2018 trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn cũng đã bị cơ quan chức năng yêu cầu lập hồ sơ, lên phương án xử lý.

Cũng mới đây, là vụ việc các đối tượng ở Công ty cổ phần Alibaba bị cơ quan chức năng bắt khẩn cấp, từ đó làm rõ hành vi lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Rõ ràng những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của người khác đương nhiên sẽ bị pháp luật xử lý.

Dư luận cũng đã phản ánh hiện tượng, nhiều cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn, người có ảnh hưởng đối với người khác đã lợi dụng hình ảnh và quan hệ của mình để làm những điều trái luật mà chưa bị xử lý. Điển hình là một số căn biệt thự tại đất rừng Sóc Sơn vẫn ngang nhiên tồn tại cho dù chính những sai phạm đó đã được lãnh đạo Hà Nội tuyên bố xử lý đến cùng.

Nói vậy để thấy rằng, chính sự nể nang của chính quyền cơ sở, hoặc sự thiếu sót do “trình độ, năng lực” (...?) là một trong những nguyên nhân chính khiến cho những sai phạm ở địa phương kéo dài, lan rộng. Những căn biệt thự, những ngôi nhà xây sai phép, những khoảnh đất rừng, thửa ruộng hay mảnh vườn thổ canh không phải là cái kim để có thể lọt qua sự kiểm soát của lực lượng chức năng nếu các cơ quan này thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Tương tự như vậy, hàng loạt dự án “ma” liên quan Công ty Alibaba với hàng nghìn nạn nhân không phải là thứ tàng hình khiến cho chính quyền cơ sở có thể bàng quan nói rằng... không biết. Cái có thể giải thích được chính là sự... vô cảm đối với những điều sai trái đang xảy ra chung quanh người làm công tác quản lý mà thôi.

Cái cách giải thích kiểu “có lỗi chứ không có tội” cho đến bây giờ có vẻ không còn hiệu nghiệm. Nhất là đối với những người có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Bởi chính những người ấy phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm xảy ra trong địa bàn, ở thời điểm mà mình quản lý.

Tin rằng, nếu cơ quan bảo vệ pháp luật có thể làm cặn kẽ, thì những án phạt đối với người sai phạm về quản lý không chỉ dừng ở mức độ xử lý về mặt nhà nước.