Không gian an toàn, lành mạnh cho trẻ thơ

Đầu năm học, bên cạnh nỗ lực rất đáng hoan nghênh của ngành giáo dục và toàn xã hội trong phòng, chống dịch bệnh và khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, nỗ lực bảo đảm cho trẻ đến trường, thì cũng có một số chuyện buồn xảy ra. 

Rất thương tâm là sự việc ở Lào Cai, cổng trường đổ gây tai nạn cho học sinh. Rồi hiện tượng nhiều phụ huynh phải mua sách tham khảo, đồ dùng học tập cùng với sách giáo khoa cho con với số tiền tăng vọt, dẫn đến những bức xúc trong dư luận, khiến ngành giáo dục phải ra công văn yêu cầu thanh tra và cấm các trường không được ép học sinh mua sách tham khảo. 

Lùi lại một thời gian, vào đợt nắng nóng trong hè vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ trẻ đuối nước thương tâm và đáng tiếc khi trẻ chưa được học bơi hoặc thiếu sự giám sát cần thiết của gia đình. Rồi cũng cách đây chưa lâu, vào dịp cuối năm học, cây phượng ở một trường THCS tại TP Hồ Chí Minh đổ, gây thương vong cho các cháu. Ngay trong những ngày này, việc học tập của trẻ được triển khai với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được đề cao. Nhưng chứng kiến cảnh phụ huynh đón con em mấy ngày đầu năm học, sẽ thấy ngay sự tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ bởi cảnh đông đúc, chen chúc khi nhiều xe đỗ, xe đi ngược chiều, lấn chiếm lòng lề đường, vây kín cổng trường, nhiều phụ huynh không phòng bị cẩn thận. Ngoài việc không bảo đảm phòng dịch, thì căn bệnh ùn tắc kéo dài gây lộn xộn và ô nhiễm trước cổng trường đang có dấu hiệu tái diễn. 

Những hiện tượng, thực trạng trên, và còn nhiều tồn tại khác, lại dấy lên đòi hỏi về việc tạo dựng môi trường học đường và chung quanh trường học bảo đảm an toàn, trong lành cho học sinh, nhất là các cháu nhỏ. Không gian học tập, sinh hoạt đó phải bảo đảm an toàn cả về yếu tố thể chất, tính mạng, sức khỏe lẫn trong lành về đời sống tinh thần, nhận thức và suy nghĩ, tình cảm của trẻ.

Với sự phát triển xã hội, thể trạng, tâm lý, nhận thức và suy luận của trẻ cũng có nhiều thay đổi. Những sự việc, hiện tượng bất cập, nổi cộm hoặc phổ biến từ xã hội và trực tiếp là ở trường lớp, qua nhìn, nghe, tiếp xúc, đều sẽ để lại những ấn tượng và có ảnh hưởng đến trẻ ở nhiều mức độ. Nếu phải chứng kiến những điều không lành mạnh từ môi trường học đường, phải nghe về những tiêu cực, hạn chế, thiếu sót từ phía nhà trường, đó sẽ là những nguy cơ, mầm mống gây nên những tổn thương không nhỏ, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, niềm tin và hành động của trẻ hiện tại, sau này. 

Bởi thế, những nỗ lực cho trường lớp sạch sẽ, khang trang, thực phẩm an toàn, chương trình học tập đổi mới… là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bảo đảm môi trường giáo dục luôn an toàn, trong lành và hiệu quả rất cần sự chung tay góp sức và nỗ lực tạo dựng của cả xã hội.