Không để “cò” đất hoành hành

Gần đây, tại một số tỉnh, thành phố, có những địa bàn giá đất bỗng nhiên tăng vọt, gấp vài lần, thậm chí hàng chục lần. Một số thông tin về quy hoạch đô thị, mở rộng đô thị, phát triển hạ tầng… liên quan những khu vực đất đai này được lợi dụng tung ra nhằm “thổi” giá, tạo “sốt ảo”, có nguy cơ gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. 

Đây là tình cảnh thường thấy mỗi dịp sắp có, chuẩn bị hay được cho là sẽ có những điều chỉnh, thay đổi về địa giới; hay có đề xuất hoặc chuẩn bị chuyển đổi địa phương từ huyện lên quận, thị xã, thành phố; hoặc có việc quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện cho phát triển đô thị... ở các địa phương. Nhất là ở các trung tâm kinh tế, chính trị, các đô thị lớn. 

Những cơn “sốt ảo” khi tác quái, làm thiệt hại cho những người mua mắc phải “bẫy giá” mà thực chất có thể coi là một hình thức lừa đảo. Đồng thời, chồng thêm khó khăn với cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị… của địa phương. Về lâu dài, rõ ràng “sốt ảo”, mà nguyên cớ chính từ sự hoành hành của các đối tượng “cò” đất khi tung thông tin không trung thực nhằm trục lợi, sẽ gây ảnh hưởng tiến trình xây dựng, phát triển địa phương cũng như quyền lợi chính đáng mà người dân lẽ ra sẽ được hưởng. Nhất là với những khu vực dự kiến được xây dựng nhà ở xã hội, các khu dân cư mới, các công trình công ích…, thì “loạn” giá đất sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà đối tượng chịu thiệt nhiều là quần chúng nhân dân, người lao động sử dụng các không gian đó sau này.

Dư luận xã hội và các cơ quan chức năng đang cùng mong muốn tăng cường giám sát thị trường bất động sản, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “thổi” giá, đẩy giá lên cao nhằm trục lợi. Ngoài những khuyến cáo người mua phải tỉnh táo, cảnh giác, thì để phòng, chống từ sớm và liên tục, các địa phương, cơ quan chức năng cần cung cấp công khai, rộng rãi và dễ tiếp nhận về các thông tin liên quan quy hoạch, phát triển hạ tầng, đô thị… để người dân có cơ sở so sánh, đối chiếu. 

Cùng với đó, cần xử lý nghiêm khắc, tăng nặng chế tài xử phạt đối với các đối tượng “cò” làm ăn thu lợi bất chính. Ngoài ra, để minh bạch hóa và ngăn chặn những hành vi lừa đảo, thì việc giao dịch liên quan đất đai, bất động sản nói chung, cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng địa phương về nhà đất, quản lý thị trường… Rõ ràng, việc giao dịch không thể không thông qua các cơ quan chức năng địa phương, các bộ phận sổ sách, thủ tục, các dịch vụ pháp lý. Có dấu hiệu bất thường thì ngay ở các cấp này đã phải phát hiện ra, tránh để sự đã rồi. 

Có nhiều “ống ngắm” để giám sát, ngăn chặn “cò” lộng hành.