Đừng trưng cầu cho có

Danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng về văn học nghệ thuật (VHNT) năm 2021 đang được giới thiệu trên website bvhttdl.gov.vn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để lấy ý kiến nhân dân.

Đây là danh sách do các Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước thuộc các lĩnh vực mỹ thuật, văn học, âm nhạc. Được biết, thời gian góp ý từ ngày 15 đến 29-3. Đến thời điểm hiện tại, theo dõi trên website của Bộ, chưa thấy giới thiệu ý kiến nào từ xã hội phản hồi với các nội dung hoặc đồng thuận, hoặc không đồng ý, hoặc góp ý với danh sách trên.

Điều này gợi một số băn khoăn. Liệu có phải công chúng thờ ơ với các giải thưởng lớn tôn vinh tác phẩm - tác giả VHNT nước nhà? Liệu người đọc, người xem có giảm mối quan tâm đối với các tác phẩm - tác giả VHNT nổi bật?

Nhiều câu hỏi hoặc suy ngẫm rất đáng được ngành văn hóa, các hội nghề nghiệp lý giải bằng những cuộc khảo sát, đánh giá nhằm “đo đếm” ở mức tương đối về tình cảm, mối quan tâm từ phía xã hội đối với VHNT và những người làm VHNT, đối với sự vinh danh. Nhưng có thể nhận ra một bất cập, rằng cách mà cơ quan chức năng lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, có thể cả hội nghề nghiệp nữa, giới thiệu, mời gọi, trưng cầu ý kiến quần chúng nhân dân, còn thiếu sức hấp dẫn, cuốn hút. 

Giới thiệu các tác phẩm - tác giả đề nghị xét giải, nhưng còn làm sao để nói với xã hội về mục đích của việc giới thiệu, trưng cầu ý kiến; ý nghĩa quan trọng của tiếng nói công chúng trong việc tôn vinh; luận giải ít nhiều về giá trị tác phẩm, uy tín tác giả trong đời sống VHNT các thời kỳ qua…, thì xem chừng còn hạn chế, thưa thớt. 

Hơn nữa, kênh thông tin giới thiệu công việc trên đến xã hội còn ít ỏi, chưa thấy nhận được sự hưởng ứng chung của nhiều địa chỉ thông tin, truyền thông từ các hội nghề nghiệp, báo chí chuyên ngành về VHNT và báo chí truyền thông nói chung. Như vậy, thì việc giới thiệu, đăng tải giữa một số cơ quan, bộ phận mang tính phối hợp gần như “nội bộ”, sẽ dễ bị thoảng qua, trôi qua trong bối cảnh các hoạt động, các thông tin hằng ngày cấp tập, liên tục, tràn lan trên báo chí, mạng xã hội.

Đặc biệt, ngoài công chúng nói chung, thì những danh sách như trên, hình như vẫn thiếu vắng sự tiếp cận cụ thể để trưng cầu đối tượng “công chúng tinh hoa” là giới văn nghệ sĩ, nhất là các chuyên gia về VHNT. Có thể nói, họ là những người có tiếng nói rất đáng lắng nghe trong việc đánh giá, góp ý, rằng ai xứng đáng, nên cân nhắc tác phẩm này, chưa thỏa đáng với tác phẩm kia…

Một câu hỏi nữa đặt ra là, liệu các cơ quan liên quan có nhận ra điều đó không, và nếu đã nhận ra thì có nghĩ đến việc cải tiến tình hình, trên tinh thần để xã hội tham gia, góp tiếng nói nhiều hơn trong sự đánh giá, trân trọng các tài năng VHNT của nước nhà? Hay cũng mới chỉ thực hiện việc đăng tải, trưng cầu ý kiến cho xong, cho đủ, theo yêu cầu, theo cách làm truyền thống lâu nay? Đó thật sự là điều đáng ngại!