Điều không bất ngờ

Việc cặp vợ chồng “giang hồ mạng” Phú Lê và Thúy Kiều (vốn được biết đến bởi những hình ảnh đậm chất giang hồ, bặm trợn trên một số kênh mạng xã hội) bị Công an Hà Nội bắt giữ vì nhiều hành vi vi phạm pháp luật có lẽ không làm nhiều người bất ngờ.

Đây cũng là hệ quả của việc áp dụng những điều đáng ra không nên có kể cả trong suy nghĩ vào cuộc sống thực tế, vốn luôn được quy định và bảo vệ thông qua những điều luật đủ sức răn đe bất cứ hành vi nào đe dọa ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của những người khác.

Đã có không ít đối tượng vốn được coi là “giang hồ” trong phim ảnh, trên mạng xã hội lần lượt bị các cơ quan chức năng xử lý bởi những hành vi sai trái trong… cuộc sống thực. Những Khá “Bảnh” ở Bắc Ninh, Phúc “XO”, Huấn “Hoa Hồng” ở TP Hồ Chí Minh cho tới cặp vợ chồng Đường - Dương ở Thái Bình, Phú Lê - Thúy Kiều tại Hà Nội đã từng có lúc được cư dân mạng tung hô bởi những câu chuyện mang tính anh chị có pha thêm chút nghĩa hiệp... trên mạng đều lần lượt bị khởi tố vì những tội danh khác nhau. 

Cho tới thời điểm hiện tại, những hành vi thách thức, chửi bới và hăm dọa nhau trên mạng vốn chỉ để tìm kiếm lượt người xem nhằm kiếm chút lợi nhuận hoặc bổ sung “uy tín giang hồ” đã dần bị thu hẹp lại chỉ còn một vài gương mặt xấu. Nhưng cái dễ dàng nhận ra nhất, là những điều tưởng chỉ có thể xảy ra trên thế giới ảo đã bị các đối tượng áp dụng vào thực tế. Cái khác biệt duy nhất là thay vì được tung hô bởi “các anh em xã hội” thì đương nhiên các đối tượng vi phạm pháp luật phải chấp hành án phạt bởi những sai phạm ấy và bị đông đảo người dân trong xã hội không chấp nhận, lên án.

Những câu chuyện trên phim ảnh vốn đều có ảnh hưởng nhất định tới khán giả, nên mỗi bộ phim mang tính nhạy cảm đều có những khuyến cáo cụ thể, thậm chí quy định chặt chẽ trong việc lựa chọn đối tượng người xem. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng từ các bộ phim, cũng như từ thế giới ảo trên mạng ấy sẽ góp phần tác động tới nhân cách và hành động của những người tiếp xúc, nhất là với những đối tượng còn thiếu sự chín chắn, thiếu thông tin hoặc trình độ, hiểu biết còn hạn chế. Cũng chính vì thế, với mỗi bộ phim bạo lực, hầu hết nhà làm phim đều khuyến cáo cấm trẻ em dưới 18 tuổi, là độ tuổi chưa đủ “chín” để có thể chọn lọc những điều sai, đúng trong phim.

Những cái mốc thời gian trong thế giới ảo ấy, mỗi chục năm có thể chỉ trong tích tắc. Có lẽ chỉ có những người thật sự đã gặp phải những hoàn cảnh cụ thể mới có thể thấm thía cái ngữ nghĩa răn đe của người xưa “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Thấy vậy để mà tu dưỡng, để mà phục thiện, để mà tự răn mình không bao giờ thực hiện những hành vi sai trái.

Cái sự tưởng như phong lưu của thế giới giang hồ, chợ búa, cũng như những thứ do các đối tượng ấy cố tình ra sức tô vẽ sẽ vẫn có sức hút với một số kẻ tò mò. Nhưng khi người ta hiểu rằng, việc hy sinh xương máu, tình cảm gia đình, tình nghĩa anh em cho những điều phi lý và phi pháp sẽ có kết quả chung là chấp hành sự trừng trị của pháp luật thì những hành vi trên thế giới ảo ấy sẽ không còn cơ hội xuất hiện trong đời thực nữa.

Đó không chỉ là việc của những người quản lý, điều hành không gian mạng mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cả cơ quan hành pháp lẫn các cơ quan quản lý về truyền thông, văn hóa.