Điều chỉnh để phù hợp

Vẫn câu chuyện chính sách khi áp dụng vào thực tiễn, phát hiện ra những bất cập thì phải nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, trong cả nội dung chính sách lẫn việc thực thi của các cơ quan chức năng.

Đặt yêu cầu đó vào thực tế triển khai những chính sách hướng tới số đông quần chúng nhân dân, nhất là khi có ảnh hưởng sát sườn đến quyền lợi, đời sống của rất nhiều người, thì sẽ thấy đòi hỏi rất lớn trong việc liên tục theo dõi hiệu quả của chính sách và ngay lập tức tháo gỡ những bất cập, những thắt nút trong mối quan hệ chính sách - thực tiễn. 

Bất cập trong việc coi sóc các hồ chứa nước trên một số địa bàn vùng cao là một thí dụ. Phục vụ hiệu quả cho sinh hoạt của đồng bào, nhất là vào mùa khô hạn kéo dài, nhưng những trường hợp ô nhiễm các hồ treo này cho thấy không chỉ ý thức kém của một bộ phận người dân, mà cả sự thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ, giữ sạch nguồn nước của cơ quan quản lý. Lớn hơn, câu chuyện xóa đói, giảm nghèo thời gian qua được quan tâm, nói đến nhiều, nhắc nhiều cả những bất hợp lý trong những tiêu chí đánh giá. Bởi nó đã trở nên một phần tác nhân gây sai sót trong rà soát, thực hiện hỗ trợ người nghèo, vừa không đúng đối tượng, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước. Có thể nhắc đến cả những bất cập trong chính sách giáo dục liên quan đến công tác đào tạo nghề mà dư luận đã nhiều lần lên tiếng, dẫn tới sự mất cân bằng và hạn chế không nhỏ trong việc phát triển nguồn nhân lực, vấn đề tạo công ăn việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động. Hoặc những hạn chế trong chính sách về xây dựng, kiến trúc, cộng với bất cập từ công tác quản lý, giám sát, đã góp phần vào thực trạng nan giải của phá vỡ quy hoạch, đô thị hóa ồ ạt, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị… 

Vấn đề giám sát việc thực thi và điều chỉnh chính sách, cũng rất cần cái nhìn mang tính cập nhật, sát thực và thường xuyên, liên tục chứ không nên chỉ dựa trên sự đánh giá, bao quát mang tính nhiệm kỳ. Hoặc căn cứ vào quá trình triển khai các kế hoạch hay chương trình theo thời hạn một cách máy móc. Bởi khi đã phát hiện ra bất cập dẫn tới ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt, thậm chí có thể còn là tác nhân gây ra những sai sót, sai phạm, thì nếu cứ đợi cho hết một quãng thời gian quy định để đánh giá, điều chỉnh một thể, thì hệ lụy sẽ là không nhỏ. Thậm chí, với những bất cập kéo dài, thì sự cộng dồn các sai phạm, hệ lụy còn có thể gây ra tình trạng bức xúc, chống đối trong xã hội và sẵn sàng làm trái pháp luật. 

Để chính sách đi vào cuộc sống, ngoài việc bảo đảm tầm nhìn xa, tính xác thực, sát sao với đời sống, sự ổn định và bền vững, người hoạch định chính sách phải thở hơi thở của cuộc sống, hơi thở thời đại và luôn hướng tới mục tiêu phục vụ xã hội, quần chúng nhân dân. Liên hệ đơn giản với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hoặc dùng máy quay để phát hiện ngay các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Từ đó kịp thời nhắc nhở, xử lý theo quy định. Việc áp dụng, thực thi chính sách nói chung, rất nên được thúc đẩy cơ chế giám sát và điều chỉnh, sửa chữa thường xuyên, liên tục như vậy.