Để không “sợ” thực nghiệm

Dư luận đang sôi nổi quanh việc thử nghiệm sách giáo khoa công nghệ giáo dục. Càng sôi sục khi có nhiều ý kiến bàn tán, đánh giá xa gần tràn ngập mạng xã hội, nhiều ý kiến chê trách; hoặc chế các bài hát, bài thơ, lời thư… bằng ký hiệu hình vuông, tam giác… để châm biếm, giễu cợt; thậm chí phỉ báng, coi tác giả sách như tội đồ giáo dục.

Nhiều ý kiến trái chiều, những thái độ cả ở mức quá khích, cực đoan được biểu thị, làm tăng mức độ hoang mang của công chúng, nhất là các bậc phụ huynh. Ngay chính thái độ khá “cứng” của tác giả sách, được phản ánh qua báo chí, cũng ít nhiều gây bất bình. Trong khi những việc cần làm ngay, làm sớm thì lại chậm nhịp so nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt, cũng như đà bùng nổ của dư luận.

Đó là việc cần giới thiệu, giải thích rõ về sách giáo khoa công nghệ giáo dục, về chương trình thực nghiệm đã áp dụng theo thời gian, ở các địa phương, các địa chỉ đào tạo. Đặc biệt là kết quả trong thực tế những năm qua ở các nơi, những điều cần rút kinh nghiệm sau mỗi năm học. Nhất là ý kiến rộng rãi của chính các thầy, cô giáo tham gia dạy học theo chương trình thực nghiệm, sử dụng sách giáo khoa công nghệ giáo dục; của các phụ huynh có con em là “đối tượng thực nghiệm”; của các cựu học sinh đã từng được trải qua những “năm học thực nghiệm” trước kia.

Đây là trách nhiệm của ngành giáo dục, cần được triển khai khảo sát, đánh giá qua các cấp quản lý, các viện, trung tâm nghiên cứu của ngành để đưa ra những câu trả lời cặn kẽ, thấu đáo cho dư luận. Không nên để đến khi nhiều thứ đã trở nên lung lay, trong đó có cả niềm tin của một bộ phận người dân đối với công tác giáo dục, thì mới lên tiếng để trấn an.

Thực tế, những việc cần làm đó, không chỉ đối với những đề tài sách giáo khoa công nghệ giáo dục, chương trình thực nghiệm đang được quan tâm thuộc “top” hàng đầu hiện nay. Mà với rất nhiều vấn đề khác trong lĩnh vực giáo dục. Như về các nội dung được biên soạn trong sách giáo khoa chính thức, đang được dùng phổ biến hiện nay; về thời lượng, khối lượng chương trình học so mức độ, khả năng tiếp nhận của học sinh; về quy trình làm việc, thẩm định, xét duyệt của các hội đồng biên soạn sách; về cả vấn đề chống độc quyền soạn sách, in sách giáo khoa, cũng đang rất nóng hiện nay. Những vấn đề này, rất cần khảo sát rộng rãi và chân thực từ cơ sở, để chính giáo viên, phụ huynh, và một phần nào đó cả các học sinh, có tiếng nói, vai trò nhiều hơn trong hoạt động giáo dục.

Để người dân không “sợ” thực nghiệm, không ngại đổi mới và bắt nhịp với những đổi mới trong giáo dục, hưởng ứng và tham dự vào những sáng tạo hữu ích, thì ngành giáo dục và những người làm ra sự đổi mới, sáng tạo, thực hành việc thực nghiệm đó, phải lên tiếng một cách cầu thị.