Chuyện trên luống cày

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, vốn mưu cầu đổi mới từ năm 2016, nhưng càng làm càng chậm là có lý do của nó.

Khúc mắc trung tâm nhất chính là trả lời câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì? Dường như mọi câu trả lời đã nói ra và chưa nói ra đều xoay quanh “hệ dữ liệu truyền thống”, đó là những thứ người nông dân thường nghĩ đến và quen thực hiện: Với các biện pháp chăn nuôi, canh tác truyền thống; với khách hàng và xu thế thị trường truyền thống; với giá cả và định mức giá cả truyền thống; với cách lựa chọn mùa vụ và vật tư truyền thống; với phần lớn biện pháp tổ chức, thiết kế, quản lý đồng ruộng truyền thống…; và cuối cùng là mục tiêu lợi nhuận truyền thống. Thế cho nên mới dẫn đến việc trả lời câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì theo cách lạc hậu.

Suốt hơn ba năm qua, Chính phủ mấy lần ban hành nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mấy lần sửa thông tư, còn các tỉnh, thành phố thì nhấp nha nhấp nhổm, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa vẫn chưa hết bó buộc.

Điểm căn bản nhất là chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa vẫn đầy sự lưỡng lự: Tại sao đã quyết định cho bổ sung kế hoạch chuyển đổi, còn phải cài thêm một loạt điều kiện như: Khống chế tỷ lệ đào đắp 20% diện tích, khống chế phục hồi nguyên trạng khi chấm dứt thực hiện chuyển đổi, rồi khống chế điều kiện trồng cây lâu năm phải khắt khe hơn trồng cây hằng năm, khống chế không được làm nhà trông giữ tài sản nuôi, trồng, không được làm nhà kính trên đất trồng lúa chuyển đổi… Đó phải chăng chính là sự sợ hãi, níu kéo, là không quyết đoán, là tạo ra kẽ hở tiêu cực và triệt tiêu động lực của công cuộc chuyển đổi?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đứng ở đầu bờ mà tư tưởng chuyển đổi còn dùng dằng như vậy thì bao giờ thành công? Những người làm chính sách liệu có tư duy rằng phần lớn những đối tượng tham gia tích cực và dẫn đầu công cuộc chuyển đổi này sẽ không chỉ còn là nông dân hay không?

Đúng, ngay cả những đối tượng “suy nghĩ trên luống cày” cũng đang còn hoán đổi mạnh mẽ, thì hà cớ gì một chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng không dám đột phá mạnh mẽ?

Nếu những người làm chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng nghĩ thế, thì “gông cùm” của đồng ruộng và của tư duy chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp đã được tháo gỡ triệt để rồi...