Chứng thực chữ ký

Chứng thực ở UBND cấp xã hoặc phòng tư pháp cấp huyện có hai loại: Chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký.

Điều kiện của chứng thực bản sao từ bản chính đơn giản đến mức chỉ cần có… bản chính là quá đủ để chứng thực.

Còn chứng thực chữ ký nói nôm na cũng chỉ cần chứng minh cho được người ký tên vào tờ khai đúng là có tên, tuổi, quốc tịch, hộ tịch như vậy, cho nên chỉ cần sự có mặt của người có chữ ký cần chứng thực, cộng với bản chính hoặc bản sao chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đã được chứng thực của người đó. Khi làm xong việc chứng minh “lai lịch” chữ ký, việc chứng thực chữ ký được xác nhận hoàn thành. Người ký tên tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai. Người có thẩm quyền chứng thực không được bắt bẻ về nội dung kê khai đó.

Quy định này nhằm khắc phục lối làm việc máy móc, tập trung bắt bẻ những lỗi hình thức để hành dân từng xảy ra trước đây. Tuy nhiên, những dự tính tốt đẹp từ quy định mới vẫn chưa tính toán hết những mặt khó lường của cuộc sống.

Chẳng hạn, trong trường hợp các điều kiện quy định chứng thực sẵn lòng chấp thuận sự thay thế của bản sao chứng minh nhân dân có chứng thực, thì một số cán bộ chứng thực vẫn đòi hỏi sự hiện diện không cần thiết của chứng minh nhân dân bản chính. Khi điều kiện chỉ đòi hỏi mỗi một loại giấy tờ là chứng minh nhân dân, thì cán bộ chứng thực lại yêu cầu thêm sổ hộ khẩu. Rồi trường hợp quy định chỉ yêu cầu mỗi việc chứng thực chữ ký, thì họ bằng mọi cách thống kê những lỗi lầm vụn vặt về nội dung…, mục đích cuối cùng là để hành những người dân kém hiểu biết, hoặc ngại đôi co phải đi lại nhiều lần, nhiều người trong số đó đành phải chi tiêu cực phí để cho xong chuyện.

Vậy các cơ quan thẩm quyền có cách nào thay đổi được câu chuyện khó coi này không?

Niêm yết công khai, dễ hiểu, dễ thấy, để cán bộ không dám làm sai, để người dân dễ dàng phát hiện, giám sát được hành vi lạm quyền của cán bộ bao giờ cũng là cách ngăn chặn tốt nhất hành vi này.