Chỉ người đưa đò ở lại

Ở những ngày cuối thu, tiết trời chuyển mùa se lạnh cũng là lúc người ta nhớ nhiều về chuyện cũ. Cũng mỗi dịp này, thấy nhiều lớp học sinh hối nhau về kỷ niệm, những thầy, cô giáo cũ cũng xốn xang với nhiều khóa học trò, mới thấy rưng rưng cho nghiệp “gõ đầu trẻ”, nghề vốn được xưng tụng là vất vả mà vô cùng cao quý.

Có lẽ chẳng có ai là không nhớ cái thuở đầu tiên cắp sách tới trường. Đầy lưu luyến và ngập tràn kỷ niệm. Có sự hoang mang buổi ban đầu tới lớp. Có sự dạn dĩ của những đứa trẻ bắt đầu lên lớp trên với thầy, cô và những người bạn mới. Có cái rưng rưng của đám học sinh cuối cấp, bắt đầu những bước đầu tiên vào ngưỡng cửa cuộc đời. 

Học sinh, luôn được cả xã hội quan tâm và dõi theo một cách trìu mến nhất. Và người mà được cả xã hội tin tưởng, lựa chọn và giao phó để chuyển tải tình yêu thương ấy chính là những thầy, cô giáo.  Các thầy, cô là những người mang trọng trách, gánh nặng của cả xã hội, cả các gia đình trông mong trao gửi cho mình.

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, đã qua rồi cái thời người ta nói về nghề sư phạm bằng câu cửa miệng đầy cay đắng. Bây giờ, cuộc sống của những người làm nghề giáo đã ổn định hơn nhiều. Dù rằng đâu đó, ở những vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, hay ở biên giới, vùng cao, hải đảo thì những người làm nghề giáo đương nhiên vẫn phải đối đầu với những điều kiện thiếu thốn về vật chất, khó khăn về phương tiện giảng dạy và thậm chí là thiếu thốn cả về số lượng học sinh. Chưa kể, khi vẫn còn vướng mắc về kinh tế thì những người thầy dù chấp nhận hy sinh sống chết với nghề sẽ vẫn còn những khó khăn, cản trở trong việc chuyển tải khối lượng kiến thức đồ sộ của nhân loại cho thế hệ học trò vừa phải lo tới lớp vừa phải lo hỗ trợ gia đình làm kinh tế...

“Chúng tôi như những người đưa đò và mỗi lứa học sinh sang sông để tiếp tục chuyến hành trình tới tương lai, chúng tôi lại quay lại bờ bên này để đón lớp học sinh nối tiếp”, tâm sự của một giáo viên về “nghiệp” của mình như vậy. Họ, vì công việc và trách nhiệm sẽ chỉ dừng lại mỗi lần nhiệm vụ chuyển tải kiến thức đã được các học sinh tiếp thu và tiếp tục tiến bước để có thể tự mình làm chủ cuộc đời. Các thầy, cô giáo, sau mỗi chuyến đò, lại dừng lại để tiếp tục nhiệm vụ mà họ cần gánh vác.

Trong một câu chuyện ai đó từng kể lại, khi cậu học trò quay lại để thăm cô giáo chủ nhiệm của mình hàng chục năm về trước, bà giáo già khi ấy mắt đã lòa cũng chẳng còn nhớ nổi cậu là ai. Câu chuyện là một thực tế, những đứa trẻ lớn lên, đi xa sẽ luôn nhớ tới những người đã dạy dỗ chúng qua từng bài giảng, chứ các thầy, cô cùng với thời gian, dần dần chẳng nhớ nổi “những đứa con” trong trẻo mà tinh nghịch xưa kia đã từng gắn bó với mình.

Nhớ vậy để mà sớm tri ân các thầy, cô giáo, những người tình nguyện ở lại sau mỗi lần đưa đò để lớp trẻ mà mình răn dạy sẵn sàng ra đi, theo những hành trình mới.