Câu chuyện thương hiệu

Cách đây chừng hai thập kỷ, đã có những doanh nghiệp mang thương hiệu Việt khá phát triển tìm đường... xây dựng cơ sở mới cho chính mình ở các quốc gia có điều kiện nhân lực và hạ tầng thuận lợi. Và khi ấy, thấy họ rõ ràng là “quân tử” khi trong mỗi sản phẩm của họ, dù vẫn mang tên thương hiệu đã được người tiêu dùng ghi nhận, nhưng địa điểm sản xuất, dù ở bất kỳ quốc gia nào, đều ghi rõ ràng xuất xứ. Và điều đó, cho tới tận bây giờ, người ta vẫn ghi nhận xuất xứ nhãn hàng luôn gắn liền với chất lượng sản phẩm.

Gần đây, thấy một vài thương hiệu được trao giải thương hiệu quốc gia đang bị phản ánh là sai phạm. Tìm hiểu thêm thì lại thấy rằng những nghi ngờ mà dư luận phản ánh là có lý.

Ở thời điểm mà các công xưởng được xây dựng trên khắp thế giới thì điều cốt tử mà bất kỳ doanh nghiệp tạo ra một sản phẩm nào cũng đều phải ghi nhận, là một sản phẩm được tạo ra đều gắn bó với một thương hiệu hay một danh xưng cụ thể. Bởi nếu không, nó sẽ không thể tồn tại bền vững. Đối với một sản phẩm bất kỳ đã tạo dựng được tên tuổi, người ta sẽ ghi trên sản phẩm ấy rằng, đây là thứ được sản xuất ở một hay nhiều quốc gia nào đó, nhưng nó là sản phẩm của thương hiệu nhất định, và chỉ có thể là thương hiệu đó. Nếu không, sẽ là đồ giả.

Việc một thứ đồ được sản xuất ở quốc gia khác, đem về chỉ để dán tem rồi lấy tên mình, cũng tương tự việc mạo nhận thành quả của người khác mang về làm của mình. Đương nhiên đáng lên án. Trừ khi, cái thành quả sản xuất ấy đã được hai bên thỏa thuận và chia sẻ. Tuy nhiên, khi ấy tên tuổi của cả hai bên cũng phải được thể hiện rõ ràng.

Thế nên, nhiều khi ra nước ngoài, khi đi mua sắm, phát hiện những mặt hàng mở ra thấy dòng chữ made in Vietnam. Mà thấy thân thương, tự hào đến vậy.

Mới thấy, đã là thương hiệu, dù có sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, cũng không cần phải đội lốt cho mình một cái danh xưng xứ khác.