Bảo mật thông tin cá nhân

Chuyên án 290 TQ do Công an Quảng Nam phối hợp với cán bộ của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an tiến hành triệt phá mới đây đã gây xôn xao dư luận.

Vụ việc khiến người ta quan tâm không chỉ vì số lượng bị hại cao, số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân lớn, mà qua đó đã cho thấy kẽ hở mà đám tội phạm công nghệ cả trong và ngoài nước lợi dụng. Chỉ bằng vài thông tin cá nhân tưởng như vô hại, những người dân lương thiện, cả tin dễ trở thành nạn nhân của đám tội phạm.

Về vụ việc này, các đối tượng Long Boon Leng (SN 1991, quốc tịch Malaysia) và chín đối tượng khác ở nhiều tỉnh, trú tại nhiều quốc gia đã bị bắt khẩn cấp.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, đối tượng Long Boon Leng là chủ mưu, cùng các đối tượng có địa chỉ thường trú ở nhiều nơi khác nhau, ở các quốc gia khác nhau hoạt động theo chỉ đạo của đối tượng ở Đài Loan (Trung Quốc). Qua việc thu thập thông tin của nhiều người, các đối tượng lấy số điện thoại giả danh Công an, Viện Kiểm sát đe dọa nạn nhân. Sau đó, chiếm đoạt tiền từ người bị hại chuyển vào tài khoản của các đối tượng người nước ngoài hoặc người Việt Nam được thuê quản lý.

Vụ án đã được triệt phá, tuy nhiên, khả năng các nạn nhân lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt là khó.

Điều đáng lưu ý là cho tới thời điểm vụ án đang được các cơ quan chức năng thụ lý, thì vẫn còn nhiều người đang phải nghe thông tin từ phía... người lạ. Những người mà thậm chí họ không biết mặt, biết tên. Dư luận đã từng lên tiếng lo ngại về việc dễ dàng mua được thông tin cá nhân qua những nhà cung cấp... trên mạng. Nhưng có vẻ cho tới thời điểm này, việc mua bán thông tin trái phép kiểu này vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Chưa kể, với phần lớn người sử dụng điện thoại khi nhận được cuộc gọi từ người lạ, nghĩa là người ta dù ít, dù nhiều đã có thông tin cá nhân của mình, cách phản ứng thông thường đối với trường hợp này chủ yếu vẫn là dập máy sau khi trả lời mấy câu qua loa. Chứ chưa thấy ai có ý định báo cho cơ quan chức năng về khả năng thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng để phục vụ cho hoạt động phi pháp.

Bởi vậy, để tránh nguy cơ nhiều người dân trở thành nạn nhân của những đối tượng sử dụng công nghệ lừa đảo, bên cạnh việc nâng cao ý thức, sự cảnh giác từ mỗi người dân, các cơ quan chức năng cũng cần có những chế tài cụ thể và nghiêm khắc hơn đối với hoạt động mua bán thông tin cá nhân. Từ những đối tượng hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, mua bán hàng trên mạng cho tới những kẻ mua thông tin cá nhân khách hàng chỉ để bán... bảo hiểm nhân thọ.