Vấn đề lớn nhất vẫn là kỷ cương & kỷ luật

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khoá XIV bắt đầu từ sáng 30-10 và kéo dài trong ba ngày, đến hết ngày 1-11. Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các đại biểu (ĐB) QH trực tiếp chất vấn các nội dung liên quan việc thực hiện sáu nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: DUY LINH
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: DUY LINH

Không hiệu quả, thiếu nguồn lực

Ngày 30-10, QH họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau khi nghe báo cáo về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV, QH đã dành thời gian để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà là người đầu tiên đăng đàn khi trả lời chất vấn của ĐB Trần Tất Thế (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam), về việc tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV (cuối năm 2016) Bộ trưởng TN&MT đã nói sau 5 năm sẽ trả lại “màu xanh” cho sông Nhuệ, sông Đáy vốn đang bị ô nhiễm nặng nề. Đến nay, hai con sông này (đoạn chảy qua Hà Nam) vẫn chưa được khắc phục ô nhiễm, nguồn xả thải từ Hà Nội chưa được khắc phục hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, như tôi nói, 5 năm sau hai dòng sông sẽ sạch thì đi kèm với những điều kiện. Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn, địa phương gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Hà Nội có phương án xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy rồi, nhưng cơ chế phối hợp các địa phương khác có hai con sông này chảy qua không hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ trưởng phải rà soát lại trách nhiệm của Bộ và các địa phương liên quan, nhất là về vai trò điều phối, phối hợp của Bộ với các địa phương.

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp siết chặt quản lý đất đai, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) chia sẻ, đất đai không chỉ là tài sản, mà còn là máu, là nước mắt của người dân.

Cảm ơn ĐB Nguyễn Thanh Hồng đã có ý kiến tâm huyết và day dứt về việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, đầu nhiệm kỳ, đúng là có vấn đề “đất công biến thành đất ông”, việc quản lý đất lâm trường lỏng lẻo, dẫn đến lấn chiếm trái phép… Nhưng sau đó, Bộ TN&MT đã tiến hành giải pháp đồng bộ giải quyết tình trạng trên, tập trung vào các khu vực đang để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong dư luận. Năm 2016 và 2017, ngành đã tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, qua đó thu hồi hàng chục nghìn ha đất sử dụng trái phép hoặc không hiệu quả. Hiện nay, chỉ tính trên các thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã thanh tra để xử lý và chấm dứt 516 dự án không hiệu quả, thu về hơn 3.000 ha đất.

Không phủ nhận sự cố gắng của Bộ TN&MT cùng cá nhân Bộ trưởng, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nhận định, vấn đề lớn nhất vẫn là kỷ cương và kỷ luật dẫn đến vi phạm, thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng báo báo của Bộ lại cho rằng do chính sách và cơ chế là không thuyết phục. Thanh tra của Bộ TN&MT cũng chỉ rút kinh nghiệm chứ chưa chỉ ra sai phạm của cá nhân cụ thể nào trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất đai.

Còn nhiều vi phạm nghiêm trọng

Đề cập việc chậm trễ trong xử lý vi phạm xây dựng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng, công trình 8B Lê Trực (Hà Nội) và các công trình xây dựng sai phép, không phép đang thách thức sự kiên nhẫn của dư luận. Xin hỏi Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà “có cam kết với QH sẽ không để xảy ra các vi phạm xây dựng không”?

Hy vọng với sự phối hợp giữa các bên sẽ giúp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng giảm, nhưng Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà “không dám hứa, không dám cam kết” trước QH về lộ trình cũng như thời điểm có thể chấm dứt hoạt động vi phạm trong xây dựng. Sau khi dẫn chứng tình trạng vi phạm còn diễn ra khá phổ biến và diễn biến phức tạp, một số vụ vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, nếu được phát hiện cũng có một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, nghiêm minh. Nguyên nhân là do còn thiếu một số quy định của pháp luật, một số quy định đã có nhưng chưa đủ rõ dẫn tới các sai phạm... Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Nhưng tôi hứa nỗ lực hết sức để cùng các bộ, các địa phương giải quyết tình trạng này”.

Chưa hài lòng với câu trả lời, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tranh luận: “Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng nhiều, nghiêm trọng và gây bức xúc. Đặc trưng của những vi phạm này là diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không phát hiện ra. Như việc người dân đổi 100 USD thì phát hiện ngay, nhưng vi phạm tại cả tòa nhà 5 đến 7 tầng lại không thấy?”.

Người đứng đầu ngành xây dựng một lần nữa nêu các kết quả đạt được, đồng thời nêu những việc đã làm cho thấy trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: “Chúng tôi chịu trách nhiệm về hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của mình. Tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, tuy nhiên, mong ĐB Nghĩa thông cảm, tôi chỉ cam kết những việc gì đủ căn cứ và chỉ do tôi quyết định”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa tiếp tục tranh luận: “Vừa rồi, báo chí, cử tri phản ánh nhiều về công trình trái phép, đặc biệt của tòa nhà số 8B Lê Trực hay những công trình sai phép ở Sóc Sơn. Người vi phạm đương nhiên phải chịu trách nhiệm, nhưng về quản lý nhà nước, Bộ có 63 Sở Xây dựng, xét ngành dọc, đương nhiên trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng. Giờ nếu địa phương quản lý quá lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm thì Bộ trưởng đã làm gì, đã phản ánh với Thủ tướng chưa? Bởi các công trình này làm mất niềm tin của nhân dân, người ta cho rằng có bao che và nhóm lợi ích”.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nghiên cứu, xem xét thêm về các công trình vi phạm mà ĐB Nghĩa nêu và có trả lời bằng văn bản.