Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

Tôn vinh nguồn sáng dẫn đường

Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đã được tổ chức sôi nổi, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, nhằm tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức của Người.

Thế hệ trẻ tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ qua các hình ảnh tư liệu tại Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Thế hệ trẻ tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ qua các hình ảnh tư liệu tại Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

1. Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác Hồ viết trong bản Di chúc vào những năm tháng cuối của cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một văn kiện có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc, là di sản thiêng liêng và quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua 50 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên.

Tại buổi khai mạc triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, khai mạc ngày 30-8 tại Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cùng bạn bè quốc tế. Di chúc của người là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, chấp nhận thách thức để tiến tới con đường phát triển bền vững.

Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” trưng bày gần 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật với chủ đề “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn sáng dẫn đường”. Đó là những bức thư tay, những kỷ vật thiêng liêng xúc động gắn với cuộc đời hoạt động của Người, cùng nhiều hiện vật thể hiện tình cảm kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu. Bên cạnh đó, triển lãm còn có sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Từ Cao Bằng, Thái Nguyên… hay quê hương Nghệ An cho đến TP Hồ Chí Minh nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911.

Chị Lê Thị Thư, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An xúc động chia sẻ: Trong suốt quãng đời hoạt động, quê hương luôn ở trong trái tim của Người. Tình cảm đặc biệt đó thể hiện qua hai câu thơ Bác viết: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” . Gian trưng bày tại triển lãm đặc biệt này có nhiều hình ảnh, hiện vật và bút tích của Bác về quê hương Nghệ An. Từ bức thư ngày 10-3-1966, tuyên dương thành tích đánh Mỹ của quân và dân tại quê nhà cho đến những dòng động viên của Bác gửi cụ Vi Văn Đùng ở huyện Tương Dương, dù đã 120 tuổi mà vẫn hăng hái đi học chữ quốc ngữ vào năm 1953…

Đọc kỹ bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, binh nhì Phạm Như Thắng, Đại đội 8, Tiểu đoàn 903, Lữ đoàn 86 - Binh chủng Hóa học cảm nhận: Đọc bản Di chúc, em cảm thấy vô cùng xúc động bởi Bác Hồ có tầm nhìn sáng suốt rất sâu sắc về sự nghiệp sau này của Đảng, của thanh niên, nhân dân và đặc biệt là về phong trào quốc tế, và sau đấy là những dặn dò mong muốn rất giản dị về việc hậu sự của bản thân.

2. Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức từ T.Ư đến các địa phương. Nổi bật là chương trình “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác” do Báo Nhân Dân, Trung tâm Truyền hình Nhân Dân phối hợp Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tối 31-8 vừa qua. Sự kiện nhằm ôn lại những lời căn dặn của Người trong Di chúc; điểm lại kết quả thực hiện năm lời thề thiêng liêng tại lễ truy điệu Người của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong 50 năm qua. Những thông điệp đó đã được chuyển tải thông qua những thước phim tư liệu, những phóng sự đặc sắc, góp phần làm sáng rõ giá trị to lớn của bản Di chúc, là ánh sáng soi đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đổi mới, hội nhập.

Ngay trước đó, sáng 30-8, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng khai mạc triển lãm đặc biệt “Nhớ về Bác”, giới thiệu 50 tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại: hội họa, đồ họa, điêu khắc, áp-phích, cùng nhiều chất liệu khác nhau như: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột mầu, mầu nước… được 39 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ sáng tác trước và sau khi bản Di chúc thiêng liêng của Bác ra đời. Đó là các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ; đến Mỹ thuật Kháng chiến như Lê Lam; và các thế hệ sau như Nguyễn Thế Vinh, Hoàng Đạo Khánh, Trần Hữu Chất… Các tác phẩm đã thể hiện nỗi nhớ thương về Bác với niềm tôn kính nhất.

Triển lãm “Lời Bác dạy sáng đường chúng ta đi” tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khai mạc cùng ngày với nhiều tài liệu, hình ảnh phong phú, có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, công nhân, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Côn Đảo những giá trị trường tồn của bản Di chúc lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam.