Tình yêu hòa cùng niềm tin chiến thắng

Gặp Bộ đội Cụ Hồ như Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), thế hệ sau luôn tràn một niềm tin về tinh thần vượt qua gian khó để đi đến ngày thắng lợi.

Đời thường của Thiếu tướng Phan Khắc Hy.
Đời thường của Thiếu tướng Phan Khắc Hy.

Tất cả vì miền nam thân yêu

Đã 45 năm, nhưng trong ông, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn tràn đầy những kỷ niệm của tình đồng đội, đồng chí cùng những giờ phút hào hùng của mùa xuân năm đó. Ông kể: “Quê cha tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh tuy thi đỗ tam trường nhưng vào thời Nho học thoái trào nên ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ rồi vào xã Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình vừa học, vừa làm thầy thuốc Đông y. Hai cụ thân sinh của tôi gặp nhau tại đây sinh ra sáu người con, tôi là người con trưởng. Sau này, cha tôi lại vào Quảng Ngãi dạy học và làm thuốc. Cách mạng Tháng Tám, ông làm Chủ nhiệm Việt Minh xã, sau mất do bị bệnh...”.

Ngay từ thời trẻ, với lòng dũng cảm, tiếp nối truyền thống người cha, từ tháng 4-1945, ông trở thành cán bộ Việt Minh. Với lòng hăng say của tuổi trẻ, ông tham gia Ủy ban Khởi nghĩa huyện Bố Trạch. Trải qua 22 năm hoạt động từ thời chống Pháp sang thời chống Mỹ, đến năm 1967, Bộ Tư lệnh Không quân được thành lập, ông được đề cử làm Chính ủy đặc trách công tác chính trị và tổ chức, tuyển chọn người làm phi công, xây dựng đội ngũ cán bộ không quân. Tháng 5-1971, ông từ Quân chủng Phòng không Không quân được điều về Đoàn 559 với trọng trách là Phó Tư lệnh Đoàn 559, kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương.

Ông kể về những ngày tháng hào hùng mà khốc liệt đó: “Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không phải một con đường mà là một hệ thống đường, một chiến trường trọng yếu, một căn cứ, một địa bàn chiến lược do Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ”. Nhưng có thời điểm ta gặp không ít khó khăn như vào các năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Mỹ đưa máy bay AC-130 (cải tiến từ máy bay C-130) vào bắn phá. Đây là loại máy bay vận tải cải tiến thành máy bay chiến đấu, cài hệ thống tự động phát hiện mục tiêu bằng khuyếch đại ánh sáng mờ vào ban đêm và bằng tia hồng ngoại. Vào lúc nổ máy, xe phát ra tia hồng ngoại, lập tức bị phát hiện và bị xạ kích tự động, trúng ngay đầu xe. Ở những khu vực trọng điểm, giặc cho máy bay AC-130 liên tục lượn vòng ở độ cao hơn 3.000 m. Còn vũ khí phòng không cỡ nhỏ ta thường dùng và không có khí tài nhìn đêm khó tiêu diệt được chúng (sau này, bộ đội tên lửa dùng cao xạ hỗn hợp 37 mm và 14,5 mm bắn rơi nhiều chiếc AC-130). Thời gian đầu ta bị nhiều thiệt hại.

Trong khó khăn mới thấy tài trí Việt Nam, ta chuyển sang chạy xe ban ngày làm cho AC130 như mù vì chủ yếu phát hiện mục tiêu vào ban đêm. Nhưng, làm sao xe chạy ngày mà không bị phát hiện vì trên tuyến có những khoảng trống lớn không có rừng cây che phủ, giặc sẽ phát hiện hoạt động của ta. Sau nhiều lần họp bàn, chỉ huy thống nhất cho bộ đội ta làm giàn cây ngụy trang “che mắt” giặc ở những khoảng trống. Việc làm này đã hình thành nên con đường kín dưới tán cây rừng gần 1.000 km chạy dọc từ bắc vào nam và toàn bộ xe chuyển sang chạy vào ban ngày.

Từ khi chuyển sang chạy ngày, sức chi viện của ta cho chiến trường cũng tăng lên. Nếu lúc trước một đêm chạy tối đa chỉ 130 km nhưng khi chạy ngày có thể lên đến 400 km. Đây là thắng lợi lớn của ta trong nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền nam.

Tình yêu hòa cùng niềm tin chiến thắng ảnh 1

Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ 1 từ Nha Trang tiến về giải phóng miền nam. Ảnh: LÂM HỒNG LONG - TTXVN

Hơn 500 bức thư không tuổi

Một cục diện mới mở ra sau chiến thắng của chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Ngày 6-1-1975, quân ta giải phóng Phước Long. Đây được xem là đòn nắn gân chiến lược vì Phước Long nằm ngay cửa ngõ vào Sài Gòn. Sau thắng lợi này, một không khí phấn khởi lan tỏa khắp cung đường Trường Sơn. Các quân đoàn đi vào mặt trận. Hàng nghìn chiếc xe vận tải nối đuôi nhau vào ra chở bộ đội, chở vũ khí tiếp tế. Đoàn xe “tuôn” như một dòng suối đổ ra tiền tuyến. Bộ Chính trị nhận định, năm 1975 là thời cơ tốc chiến, tốc thắng. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”. Địch cho rằng, bộ đội ta tập trung đánh vào Pleiku và Kon Tum, nhưng với kế hoạch nghi binh hoàn chỉnh, chúng không ngờ ta đánh mạnh và giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975. Dù địch phản kích nhưng chúng đã phải chuốc lấy thất bại. Bộ đội ta đã áp dụng cách đánh của cha ông: “Đánh ở nơi không có thành; công ở nơi không có lũy; chiến ở nơi không có trận. Sức dùng một nửa mà công được gấp đôi”. Quân ta với khí thế như chẻ tre giải phóng cả Tây Nguyên, tạo đà cho các thắng lợi giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh ven biển miền trung và hướng về Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ngày đó, 7-5-1975, tại Sài Gòn vừa được giải phóng, ông Hy viết những dòng thư sau cho người vợ thân yêu, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan (lúc ấy học tại Tiệp Khắc): “Em yêu. Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn giải phóng… Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh khác, trẻ lại hàng chục tuổi... Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh, em sẽ về cùng tham gia vào sự nghiệp đó…”. Đây chỉ là một trong hơn 500 bức thư mà hai ông bà gửi cho nhau. Từ bức thư đầu ông viết ngày 3-4-1952, khi hai người bắt đầu yêu nhau đến lá thư viết ngày 7-5-1975, chỉ sau giải phóng miền nam một tuần. “Đây là món quà không gì thay thế nổi vì xuất phát từ tình yêu trung thành ở trong tim”, như ông, bà nói.

Nay đã bước sang tuổi 93, nhưng tinh thần hào sảng, quyết liệt của Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa ra trong cách nói, ánh mắt của ông. Gặp thế hệ sau, nhất là các bạn trẻ, ông rất vui kể lại những câu chuyện thời chiến, ôn lại chuyện non sông, những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Đọc những dòng thư càng cảm thấy tình cảm trong sáng, chí tình, chí nghĩa của đôi bạn trẻ Hy - Lan thời ấy, một lòng một dạ theo Đảng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước: “…Vì khi biết Lan, định xây dựng với Lan, Hy đã đem cả lòng chân thành của mình cho Đảng, cho Lan và cho cuộc đời mình. Hy thấy rằng Hy đã có một tình thân mặn nồng tha thiết với Lan…”. Những bức thư đã ngả màu thời gian nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương và hành trình của nó đã truyền cho người lính Cụ Hồ sức mạnh vượt qua hiểm nguy, động viên nhau vượt qua mất mát, hoàn thành tốt nhiệm vụ.