Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thiếu tướng Công an Phan Văn Lai: Nhớ Huế Mậu Thân 1968

Trải qua 88 tuổi xuân, 68 năm tuổi đảng, hơn 50 năm tham gia hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Phó Tổng cục trưởng Chính trị Công an Nhân dân là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo. Nổi bật trong thời gian hoạt động cách mạng của ông là chiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế.

Thiếu tướng Phan Văn Lai (bàn đầu, ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị cán bộ an ninh khu Trị Thiên - Huế triển khai nghị quyết Khu ủy về cuộc tiến công chiến lược tháng 3-1972. Ảnh nhân vật cung cấp
Thiếu tướng Phan Văn Lai (bàn đầu, ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị cán bộ an ninh khu Trị Thiên - Huế triển khai nghị quyết Khu ủy về cuộc tiến công chiến lược tháng 3-1972. Ảnh nhân vật cung cấp

Cận kề nguy hiểm

Chúng tôi gặp Thiếu tướng Phan Văn Lai tại nhà riêng ở phố Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Căn hộ nhỏ nằm khuất sâu giữa khu tập thể Nhà công vụ Bộ Công an. Bên chén nước chè ấm nóng, hình ảnh người chiến sĩ Công an đi đầu trên tuyến lửa thành Huế Xuân Mậu Thân được Thiếu tướng Phan Văn Lai kể lại qua những câu chuyện như những thước phim ký ức quay chậm không thể nào quên của cuộc đời mình.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng sự kiện những lá đơn tình nguyện lên đường vào nam chiến đấu của những cán bộ, chiến sĩ Công an. Nhiệm vụ bí mật nên không ai được báo trước cho gia đình. Năm 1964, Phan Văn Lai cùng bốn đồng chí khác được cử vào mặt trận Trị Thiên - Huế. Ông được đề bạt làm Chánh Văn phòng Ban An ninh tỉnh. Với cương vị này, Phan Văn Lai và đồng chí Bảy Khiêm chịu trách nhiệm chăm lo đời sống cho anh em chiến sĩ. Khi ấy, cuộc sống của các chiến sĩ an ninh gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại: “Nhiều thời điểm các đồng chí an ninh bị ốm nặng, kho gạo bị giặc càn đốt. Quyết không để chiến sĩ thiếu ăn, tôi cùng anh em thâm nhập vào vùng địch, chuyển lương thực về. Khó khăn, gian khổ đến nỗi có lần, để có được năm tạ gạo cho đồng đội, đã có chiến sĩ trong lực lượng của ta hy sinh”.

Năm 1967, Khu Trị Thiên - Huế được thành lập, đồng chí Phan Văn Lai được điều động làm Chánh Văn phòng Ban An ninh Khu, được cử về công tác tại huyện Phú Vang. Cũng tại đây, ông đã tham gia những sự kiện quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong 26 ngày đêm làm chủ thành phố Huế, lực lượng an ninh đã thể hiện sự dũng cảm, hiệp đồng tác chiến tốt với các lực lượng khác. Trong đó, nổi bật lên là sự mưu trí, chỉ đạo dứt khoát của Phan Văn Lai - một trong những yếu tố mang lại thành công, khiến quân địch khiếp sợ.

Buổi sáng mồng 2 Tết Mậu Thân, sau khi vượt qua cầu Bến Ngự, trên phố Nguyễn Hoàng (nay là đường Phan Bội Châu, TP Huế), đồng chí Phan Văn Lai chỉ huy các đồng đội vây bắt Trần Đình Thương, Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên - Huế. Hắn nổi tiếng ác ôn, khét tiếng trong vùng. Nhờ chỉ dẫn của người dân tại phố Nguyễn Hoàng, Phan Văn Lai và các đồng chí an ninh nhanh chóng tiếp cận số nhà 5 của đối tượng.

Ngôi nhà được thiết kế theo lối nhà vườn của Huế với một tầng thơ mộng và hào nhoáng. Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại: “Vợ con của tên Thương khai báo hắn có về nhà đêm hôm trước, đến sáng khi nghe tiếng súng nổ đã đi đâu mất. Nhưng khi lục soát ngôi nhà, với bản lĩnh và kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm, tôi nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu khả nghi. Đó là những dấu chân còn in mờ trên tường dẫn lên ô thoáng nhỏ trên mái của ngôi nhà”.

Tổ công tác xác định, nhiều khả năng Trần Đình Thương đang lẩn trốn trên trần nhà nên cử người lên kiểm tra và kêu gọi đầu hàng. Đồng chí Phan Văn Lai sử dụng chiếc sào có gắn mũ tai mèo đưa dần lên ô thoáng. Thấy động, tên Thương ngoan cố chống đối, liên tục ném lựu đạn qua ô thoáng. Rất may, lựu đạn vướng vào xà nhà, phát nổ trên cao, chỉ làm xây xước nhẹ một đồng chí. Để bảo đảm an toàn, đồng chí Phan Văn Lai buộc phải quyết định tiêu diệt đối tượng. Sau vụ vây bắt Trần Đình Thương, các đối tượng khác như: đại diện Chính phủ Bắc Trung nguyên Trung phần Nguyễn Văn Đãi, Ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng Hồ Thúc Tứ phần nào bị tác động tâm lý, hoang mang mà nhanh chóng đầu hàng.

Thiếu tướng Công an Phan Văn Lai: Nhớ Huế Mậu Thân 1968 ảnh 1

Vợ chồng Thiếu tướng Phan Văn Lai tại khu tập thể Nhà công vụ Bộ Công an.

Đòn công tâm quyết định!

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế, mục tiêu đánh chiếm trọng điểm là nhà lao Thừa Phủ. Đây là nơi giam giữ hơn 2.000 cán bộ, đảng viên, du kích của ta. Khu vực này đã bị quân địch cài dày đặc mìn claymore, biến nhà lao Thừa Phủ thành lưới bom “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, sẵn sàng phá hủy toàn bộ bằng động tác bấm nút điều khiển. Chính vì khó khăn khi tiếp cận nên dù đã chiếm được thành phố hai ngày, lực lượng của ta vẫn chưa giải quyết được khu vực này.

Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại: “Không thể đánh chiếm trực diện, tôi chỉ đạo các đồng đội dùng cách đánh tâm lý. Chúng tôi bắc loa hướng vào nhà lao, thông báo chiến thắng của quân ta nhằm lung lạc ý chí của bọn giám thị trại giam và lính gác, đồng thời làm vững tâm cán bộ, chiến sĩ bị giam cầm. Đúng như dự tính, đến đêm thứ ba, một ngụy quân trốn ra đầu hàng và khai báo về đường thoát nước bí mật thông từ nhà lao ra bên ngoài. Nắm bắt được thông tin quan trọng này, đúng 3 giờ sáng, tôi cùng các đồng chí an ninh bí mật theo đường thoát nước vào mở cửa tiến công nhà lao. Lực lượng của ta nhanh chóng làm chủ thế trận, giải phóng nhà lao Thừa Phủ trong khi địch còn bất ngờ, bị động chống cự. Toàn bộ số mìn claymore bị vô hiệu hóa, 2.300 cán bộ được giải thoát an toàn, sau này tiếp tục cầm súng chiến đấu”.

Lực lượng an ninh lúc này tranh thủ thời cơ xông vào các cơ sở của ngụy quyền, phòng văn khố, đặc biệt là nhà ở, văn phòng và trung tâm thẩm vấn của CIA. Tại đây, các chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Văn Lai đã thu giữ được 20 “gùi” tài liệu tối mật, kịp thời phối hợp với bộ phận trung chuyển đưa lên căn cứ tại trại giam an ninh khu. Nhận được tin báo, Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn khi đó kịp thời chỉ đạo tổ điệp báo T65 đang hoạt động ở địa bàn Quảng Trị cử người vào khai thác, thu được nhiều tin, tài liệu rất quan trọng về hệ thống tổ chức, phương thức hoạt động, mạng lưới cộng tác viên của CIA ở Sài Gòn và các vùng chiến thuật ngụy quyền miền nam. Sau này, chính đồng chí Trần Quốc Hoàn đã thay mặt Đảng đoàn Bộ Công an khen ngợi lực lượng an ninh của đồng chí Phan Văn Lai: “Đảng đoàn rất phấn khởi về những thành tích xuất sắc trước nay chưa từng có của toàn thể cán bộ, chiến sĩ an ninh trong đợt tổng tiến công và nổi dậy vừa qua”.

Sau 26 ngày đêm chiến đấu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế đã kết thúc thắng lợi, giáng một đòn tâm lý nặng nề trong lòng giới cầm quyền nước Mỹ và chế độ ngụy quyền. Lúc này, Phan Văn Lai vừa bước sang tuổi 38 - tuổi sung sức của một cán bộ Công an, hiểu thấu mọi điều, sáng suốt trong chỉ đạo tác chiến. Mãi sau này, dù thời gian đã lùi xa nhưng chính ông vẫn không thể quên những tháng ngày chiến đấu cùng các đồng đội làm nên chiến thắng mùa xuân năm ấy.