KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2020)

Nhịp cầu nối bờ vui

Vượt qua những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, những cung đường đèo uốn lượn giữa lưng trời, chúng tôi tìm đến những bản người H’Mông ở Hà Giang. Xuân này đến với bà con nơi đây dường như vui hơn, gắn kết hơn. Đó là bởi việc đi lại nhờ những cây cầu, con đường mới được hình thành đã thuận tiện hơn rất nhiều.

Cầu Quý Quân là một trong 56 cây cầu thuộc dự án LRAMP đã được đưa vào sử dụng tại Hà Giang.
Cầu Quý Quân là một trong 56 cây cầu thuộc dự án LRAMP đã được đưa vào sử dụng tại Hà Giang.

Mang Xuân đến mọi nhà

Chiếm hơn 31% các dân tộc trong tỉnh, người H’Mông ở Hà Giang chủ yếu sinh sống trên các đỉnh núi ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Theo tập tục lâu đời, đồng bào dân tộc H’Mông chủ yếu bám vào những đỉnh đồi, vách núi cheo leo để làm nhà, canh tác. Hằng năm, lũ về Hà Giang kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, những con sông, con suối vốn hiền hòa trở nên hung dữ, cô lập, chia cắt nơi đây với bên ngoài.

Vậy nhưng giờ đây cuộc sống đã đổi thay! Ông Lê Minh Pó, Phó Chủ tịch HĐND xã Pả Vi, Mèo Vạc vui mừng cho biết: Xuân này có cầu bà con ai nấy đều phấn khởi vì chỉ cần đi xe máy là có thể đến tận nhà nhau chúc Tết. Những năm trước vất vả lắm, đi từ đầu xã tới cuối xã phải di chuyển nửa ngày đường. Mùa mưa lũ, trẻ con không thể đến trường, người lớn cũng chẳng ra ngoài được.

Cây cầu mà ông Pó nhắc đến mang tên đỉnh Mã Pì Lèng, nằm trên địa bàn xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là điểm cuối của dòng suối ngầm thuộc thung lũng Mã Pì Lèng nên mỗi khi mưa xuống lượng nước đổ về đây rất lớn, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, vì vậy khi cây cầu hoàn thành, bà con trong xã ai nấy đều mừng.

Thong thả đi qua cầu trong bộ váy sặc sỡ đặc trưng của dân tộc H’Mông, chị Sùng Thị Ly, người dân xã Giàng Su Phì, Mèo Vạc cho biết, hôm nay chị đến Pả Vi thăm con gái. “Trước kia chưa có cầu, đi lại vất vả lắm, nhất là mùa mưa lũ. Nhiều lúc nhớ mà chẳng đến thăm con được, giờ thì khác rồi, có cầu, có đường, đi bộ một lúc là tới”, chị Ly nói.

Giao thông thuận tiện làm tiền đề cho kinh tế, dịch vụ phát triển theo. Hiện nay, tại xã Pả Vi, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu bắt nhịp với việc phát triển dịch vụ du lịch. Vì vậy, những cây cầu dân sinh như cầu Mã Pì Lèng đang giúp kết nối giữa khách du lịch với người dân địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. Ông Sùng Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pả Vi, Mèo Vạc, Hà Giang cho biết: Từ ngày có cầu, hàng hóa nông sản cũng dễ dàng bán được giá cao hơn. Mừng nhất là việc đi lại của bà con đã được an toàn, không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi lũ về nữa.

Vốn ít, hiệu quả lớn

Đến huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, để vào được xã Kim Ngọc chúng tôi đã phải vất vả vượt qua con đường đất lầy lội với những con dốc lên xuống liên tục. Tại điểm trường gồm bốn lớp ghép các độ tuổi ở xã Kim Ngọc, hàng chục năm qua, để đến lớp, các em học sinh nơi đây còn phải tiếp tục lội hoặc đi bè mảng qua suối. Mùa lũ về, nước suối dâng cao nên ngoài sách vở, hành trang đi học của các em không thể thiếu quần áo để thay. Nhưng từ ngày cây cầu dân sinh Quý Quân dài gần 30 m được đưa vào sử dụng, việc đi lại đã trở nên dễ dàng hơn.

Đạp xe qua cầu để đến lớp, em Đặng Thu Hoàng, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Kim Ngọc cho biết: Có cầu con vui lắm! Trước đây, con phải lội qua suối, mùa mưa thì đi bè mảng đến trường. Có lần nước suối dâng cao, con bị ngã ướt hết quần áo, trôi cả cặp sách… Kể lại chuyện trước đây, cô Lý Thị Xuân, giáo viên Trường tiểu học Kim Ngọc chia sẻ: Mưa lũ cuốn đá sỏi xuống vô cùng nguy hiểm, vì vậy nếu mưa cả tuần thì cô trò phải nghỉ học cả tuần. Giờ có cầu cô trò đi lại thuận tiện, bà con trong thôn cũng dễ dàng ra ngoài giao lưu, bán nông sản được giá cao hơn.

Hà Giang là một trong 50 địa phương đang tham gia vào Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP). Theo đó, dự án đặt ra mục tiêu xây dựng tối thiểu 2.174 cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy tổng mức đầu tư không cao nhưng những cây cầu dân sinh đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt với người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Rất đáng mừng là tại một số tỉnh sau khi Tổng cục đầu tư xây dựng cầu thì địa phương đã tiếp tục đầu tư đường để hoàn thiện hạ tầng giao thông. Với những hiệu quả thiết thực mà dự án đã mang lại, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục chấp thuận cho phép vay vốn của World bank để thi công thêm khoảng 1.600 cầu trong tổng số 4.145 cây cầu đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo dự kiến, hết năm 2020, dự án sẽ hoàn thành được 2.444 cầu, vượt số cầu thực hiện trong dự án LRAMP so Hiệp định (2.174 cầu). Tuy nhiên, con số này vẫn là chưa đủ so nhu cầu thực tế lên đến khoảng 11.000 cầu mà các địa phương đã đề xuất!