KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2020)

Nhất quán một con đường

Từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Quốc tế Cộng sản triệu tập hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản Việt Nam tại Hồng Công, Trung Quốc. Hội nghị đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ảnh: TRẦN HẢI
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ảnh: TRẦN HẢI

90 năm đã trôi qua, trải qua những lần phát triển cho phù hợp tình hình và nhiệm vụ mới, tại các Văn kiện quan trọng như Luận cương Chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tại Hội nghị T.Ư lần thứ nhất, tháng 10-1930; Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, thông qua tại Đại hội lần thứ hai năm 1951; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thông qua tại Đại hội lần thứ bảy năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, được bổ sung, phát triển tại Đại hội 11 năm 2011 - Đảng ta luôn nhất quán con đường Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Hôm nay, trước bối cảnh trong nước và quốc tế thay đổi, nhiệm vụ và phương thức tổ chức cũng thay đổi phù hợp.

1. 90 năm trước đây, trước sự nô dịch của thực dân xâm lược Pháp và tay sai, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam là tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ đó dân tộc ta đã hoàn thành với đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối… Mục tiêu Đảng đã xác định là: từ nay tới giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cho đến nay, thế giới chưa có một mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh. Tuy chủ yếu phải giành toàn bộ trí tuệ, sức lực cho hai cuộc chiến tranh giải phóng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều lần bàn về chủ nghĩa xã hội. Đó là “chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”. “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”. Năm 1961, thăm Hợp tác xã nông nghiệp Lạc Trung, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa rất giản dị về Chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ” (1). Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam bổ sung, phát triển năm 2011 đã khái quát đặc trưng cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội mà nước ta xây dựng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng chính là lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng theo đuổi và đã được công khai tuyên ngôn ngay từ cương lĩnh đầu tiên: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

2. Cương lĩnh chính trị đầu tiên xác định rõ cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải dựa trên lực lượng cách mạng là liên minh công - nông làm nòng cốt. Trong đó, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo nhưng đồng thời phải lôi kéo, tập hợp cả những người yêu nước ở tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, trung nông và trung lập phú nông, trung và tiểu địa chủ, tư sản dân tộc. Nhờ thực hiện tốt chiến lược này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lập được Mặt trận thống nhất dân tộc rộng rãi, tập hợp được tất thảy những người cần tập hợp, tạo được động lực to lớn cho cách mạng.

Ngày nay trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các giai tầng trong xã hội đã có sự thay đổi. Tập hợp trong Mặt trận thống nhất dân tộc hôm nay, không chỉ có công nhân, nông dân, trí thức như trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà gồm bốn giai tầng: giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp nông dân; đội ngũ trí thức và thêm đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 nêu rõ: “Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, và trách nhiệm xã hội cao”. Nghị quyết T.Ư 10, ngày 3-6-2017 xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

3. Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kể từ ngày thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng quan tâm công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Năm 1960, Người đánh giá: “Đảng là đạo đức, là văn minh...”, đến những lời dặn cuối cùng trong Di chúc, Người dặn lại Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn để xứng tầm: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền...”. Việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang sôi nổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất là thể hiện sự trung thành của Đảng trong việc thực hiện những di huấn của Người về xây dựng Đảng.

4. Về đoàn kết quốc tế, Cương lĩnh chính trị 1930 đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Suốt cuộc đời mình, trong khi khẳng định chân lý Không có gì quý hơn Độc lập tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế. Người coi đoàn kết trong Đảng là tiền đề của đại đoàn kết toàn dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm công bố chính sách đối ngoại nhất quán của nhà nước Việt Nam: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với ai...” (2). Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế... Cho đến năm 2019, Nhà nước ta đã ký quan hệ đối tác với 30 nước (trong đó có đủ năm nước thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), với các mức độ khác nhau: ba nước Đối tác chiến lược toàn diện, 14 Đối tác chiến lược và 13 nước Hợp tác toàn diện.

Gần một thế kỷ đã trôi qua, Cương lĩnh 1930 cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và điều lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, vẫn là con đường lựa chọn duy nhất đúng, tiếp tục dẫn dắt toàn dân tộc tiến lên.

Xuân Canh Tý 2020

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, tr.17.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.256.