Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24-7-1968 - 24-7-2018)

Huyền thoại ra đời từ sự thật lịch sử

Với lịch sử cách mạng Việt Nam, Ngã ba Đồng Lộc trong những năm chiến tranh đã thực sự trở thành một huyền thoại, ra đời từ sự thật lịch sử về cuộc đọ sức giữa ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, sức lực của người Việt Nam với bom đạn ngoại xâm. 50 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần khắc sâu hơn ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, cổ vũ lòng tự hào dân tộc.

Thăm lại đồng đội đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.
Thăm lại đồng đội đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.

Biểu tượng cho ý chí dân tộc

Nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tại Ngã ba Đồng Lộc cùng công lao, mồ hôi, xương máu của biết bao người con đất Việt đã cống hiến tuổi thanh xuân tại Đồng Lộc vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người Việt Nam, trở thành một biểu tượng về ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc.

Cũng trong suốt thời gian này, báo chí cách mạng Việt Nam đã có hàng nghìn bài báo viết về Chiến thắng Đồng Lộc dưới nhiều hình thức, thể loại, nội dung phong phú, đa dạng, tập trung vào các chủ đề chính: Tôn vinh chiến công, ca ngợi tinh thần chiến đấu quả cảm, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu tại Đồng Lộc; Tìm gặp các nhân chứng lịch sử, khắc họa chân dung, ghi nhận công lao tập thể, cá nhân đã đóng góp công sức tại chiến trường Đồng Lộc; Phản ánh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với thân nhân, gia đình các anh hùng, chiến sĩ, người có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, góp phần làm nên Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc nói riêng.

Theo từng trang báo, có thể thấy ngay sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước phải giải quyết vô vàn công việc khó khăn, bộn bề của thời hậu chiến, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành rất nhiều sự quan tâm để ghi nhận công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, người đã có công với sự nghiệp giải phóng đất nước. Riêng với Chiến thắng Đồng Lộc, ngày 7-6-1972, Quốc hội và Chính phủ đã truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tiểu đội 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 21-1-1989, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích Ngã ba Đồng Lộc là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Sau đó di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn là nơi tiêu biểu cho thế hệ TNXP toàn quốc chiến đấu chống ngoại xâm. Ngày 27-7-1990, huyện Can Lộc tổ chức cất bốc 10 ngôi mộ của 10 cô gái TNXP từ xã Thiên Lộc về quy tụ thành “Nghĩa trang mười cô gái”, đúng tại nơi các cô đã hy sinh. Ngày 15-7-1995, Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc chính thức được khởi công, và ngày 15-7-1998, nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Đồng Lộc, công trình Tượng đài đã khánh thành. Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Ngã ba Đồng Lộc trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Năm 1971, bài thơ Ngã ba Đồng Lộc của nhà thơ Huy Cận ra đời. Mượn lời người cha dặn dò con, nhà thơ gửi gắm: “Con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc”, vì đó là ngã ba “làm bằng xương máu” mà “Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi”. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đăng tải rất nhiều tác phẩm tôn vinh, ca ngợi chiến công của những người lính, lực lượng dân quân tự vệ, TNXP… tại Ngã ba Đồng Lộc. Có thể nhắc tới những tác phẩm tiêu biểu như bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc” (Vương Trọng), “Cúc ơi” (Yến Thanh), “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” (Mai Văn Phấn)… hay các bài viết: “Mầu xanh nghĩa tình” (Thanh Phong, Báo Nhân Dân ngày 15-8-1988); “Ngã ba Đồng Lộc hôm qua và hôm nay” (Đào Quản, Báo Quân đội Nhân dân ngày 27-3-1991); “Chiến sĩ phá bom kể chuyện” (Anh hùng Nguyễn Trí Ân kể, Trần Quang Huy ghi, Báo Quân đội Nhân dân ngày 16-8-1998); “Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” (Nguyễn Mạnh Hà, Báo Tiền phong ngày 22-7-2007); “Tiến bước dưới khí phách Đồng Lộc” (Nguyễn Thanh Bình, Báo Nhân Dân ngày 16-7-2008); “Những đóa hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc” (Lan Hương, Báo VOV ngày 14-7-2013 ); “Kỷ vật của 10 cô gái Đồng Lộc “kể chuyện” 47 năm trước” (Phượng Vũ, Báo Dân trí ngày 22-4-2015); “Ngã ba Đồng Lộc - Nơi yên nghỉ của 10 cô gái mở đường” (Đức Hùng, VnExpress ngày 20-10-2017)…

Thông qua các bài ghi chép, bút ký, phóng sự… các áng thơ văn, tác phẩm âm nhạc, hội họa... đã công bố trên các phương tiện thông tin báo chí, thành quả, ý nghĩa của Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc đã được phản ánh sinh động, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Ngày 14-11-2015, trong chương trình Hòa nhạc hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (JVCA Japan - Vietnam Friendship Concert) tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra một sự kiện đặc biệt liên quan tới Đồng Lộc. Đó là việc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia trình diễn Giao hưởng số 6 (Symphony No.6) nhan đề “Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc” của nhà soạn nhạc Oki Masao người Nhật Bản. Về lý do ra đời bản giao hưởng, nhà soạn nhạc tâm sự rằng lòng quả cảm, sự hy sinh của các nữ anh hùng trong chiến tranh đã lay động trái tim ông, Symphony No.6 là tác phẩm mà qua đó, ông bày tỏ sự tri ân, đồng cảm của mình với các nữ anh hùng.

Tri ân người có công

Khi Đồng Lộc và kỳ tích thời chiến tranh đã in đậm trong tâm trí dân tộc, thì không chờ đến dịp kỷ niệm ngày chiến thắng, những người làm báo mới quan tâm đến vùng đất thiêng liêng này, mà với họ, công việc cần tiếp tục là tôn vinh người có công, và chia sẻ, trăn trở với số phận người anh hùng khi trở về đời thường lại gặp phải muôn vàn khó khăn. Không ít nhà báo tiếp tục tỏa đi đến các vùng, miền Tổ quốc, tìm gặp nhân chứng, tái hiện ký ức, đề xuất giải pháp hỗ trợ người có công...

Trong bài “Chuyện “vua phá bom” ở Ngã ba Đồng Lộc: Vương Đình Nhỏ, huyền thoại và đời thực” (Báo Quân đội Nhân dân ngày 27-7-2003), tác giả Nguyên Vũ đã thẳng thắn chỉ ra một vấn đề rất đáng quan tâm về nơi an nghỉ của người anh hùng khi ngôi mộ “tha hương” của ông, gia đình ông có nguyện vọng đưa về mai táng tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Năm 2005, hai tác giả Hồ Quang Sơn và Trịnh Phú Sơn đã tìm gặp nữ TNXP Đào Thị Xuân (xã Phúc Đông, huyện Hương Khê - Hà Tĩnh), người ở cùng đại đội với 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc năm xưa. Trở về từ cuộc chiến, chị Đào Thị Xuân mang trong mình chất độc hủy diệt mà kẻ thù đã rải xuống trong những năm đánh phá ác liệt, nên chị chưa từng một lần được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Hay trường hợp chị Trần Thị Thao, người được chị em trong tiểu đội TNXP ngày nào đặt cho biệt danh “Thao còi”, năm 2007 đang sống nghèo khó trong một căn nhà cấp bốn ọp ẹp tại xóm Bông Hồng thị trấn Bãi Bông, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên…

Báo chí đã góp phần lên tiếng giúp cuộc sống vất vả của những người có công nhưng số phận bị khuất lấp sau chiến tranh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ. Qua đó có thể thấy, dù chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng, các đoàn thể, doanh nghiệp có nhiều chủ trương, chính sách, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ gia đình thương binh - liệt sĩ, những người đã từng tham gia TNXP, nhưng có lẽ chúng ta “có đền đáp bao nhiêu cũng không đủ khỏa lấp những mất mát mà họ đã phải chịu trong chiến tranh và cả khi chiến tranh đã qua đi 30 năm”. Thấu hiểu điều đó, sự chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ kịp thời của xã hội với những người có công là rất cần thiết để giúp họ củng cố niềm tin, thêm sức mạnh, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống thường ngày.

Có nhà báo đã viết: “Hàng triệu trái tim yêu nước đã làm cho Đồng Lộc sống mãi” Quả đúng như vậy. Thời gian có thể khiến sự kiện trong quá khứ ngày càng lùi xa, nhưng “hành trình về với cội nguồn, nhắc nhở lớp lớp thanh, thiếu niên khắc ghi những chiến công oanh liệt của tuổi trẻ một thời vì dân vì nước” vẫn sẽ còn tiếp tục.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Đồng Lộc, bên nhiều hoạt động của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, báo chí cách mạng Việt Nam cũng tham gia tích cực dưới nhiều hình thức như: tri ân anh hùng, liệt sĩ, người có công; tặng học bổng, xây nhà tình nghĩa, tổ chức các cuộc giao lưu đầy ý nghĩa… Đặc biệt những năm qua, Báo Nhân Dân phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật, trao tặng quà, sổ tiết kiệm cho đại diện gia đình của các liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công; tặng quỹ khuyến học; hỗ trợ Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Hội cựu TNXP hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… Tiêu biểu là các chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” (ngày 1-9-2012); “Đồng Lộc - Ngã ba bất tử” (ngày 24-7-2014); “Đồng Lộc - Cõi thiêng bất tử” (ngày 24-7-2015); “Cõi thiêng Đồng Lộc” (ngày 23-7-2017)…