Dấu ấn kiến tạo & hành động

Kết thúc năm 2018, những thành quả ấn tượng về kinh tế - xã hội (KT-XH) mà Việt Nam đạt được mang những dấu ấn rõ nét về tinh thần “kiến tạo, hành động”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những chỉ đạo, hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “nóng” tới từng bộ, ngành.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Môi trường kinh doanh được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

1/ Cũng với phương châm chuyển từ tư duy một chính phủ điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sang chính phủ kiến tạo, phục vụ, hai trong số sáu nhiệm vụ quan trọng nhất được xác định tập trung chỉ đạo, điều hành của Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 được ban hành kèm Nghị quyết 100/NQ-CP gồm: Tổ chức bộ máy tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong năm 2017, đã có những thời điểm, tăng trưởng GDP tụt xuống mức thấp hơn cả 5 năm trước đó. Và cũng đã có những ý kiến cho rằng Chính phủ nên xem xét điều chỉnh giảm mức tăng trưởng trong Nghị quyết của Quốc hội giao. Nhưng Chính phủ kiên quyết giữ vững các chỉ tiêu, mục tiêu KT-XH đã đề ra. “Không đặt vấn đề điều chỉnh mà phải phấn đấu đạt và đạt cao hơn”, đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã xác lập một quyết tâm, tư duy mới, tạo nên một thói quen mới là hành động đúng nghĩa tinh thần phục vụ, kiến tạo. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ mới đã có một “Hội nghị Diên Hồng” với cộng đồng doanh nghiệp (DN), cùng thông điệp “Chính phủ sẽ thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của DN, của công dân, tạo điều kiện cho DN phát triển”. Và cũng ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ mới đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm của nền kinh tế; ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), đầu tư…

2/ Từ tiền đề đó, kết quả đã tiếp tục vượt lên trên mọi dự báo, những số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, năm 2018, nền kinh tế đã có sự tăng trưởng bất ngờ: 7,08%, vượt mục tiêu mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có được thành công đó là nhờ có ba đà tốt. Thứ nhất, cách thức phát triển đã thay đổi từ hai năm nay. Cụ thể, Chính phủ kiên định điều hành với mục tiêu cần tăng trưởng nhưng trên nền ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), không còn chạy theo mục tiêu đạt tăng trưởng cao bằng mọi giá. Thứ hai, cải cách đã bước vào nhịp mới. Năm 2018 cũng đã có được cuộc cách mạng chưa từng có với yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD), cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, loại bỏ nhiều giấy phép con. Thứ ba, KTVM cải cách mạnh mẽ làm cho niềm tin của DN với Chính phủ tăng lên, DN yên tâm hơn.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì chia sẻ: Tôi đặc biệt ấn tượng với những thành quả của kinh tế Việt Nam năm 2018, đặc biệt là sự ổn định KTVM... Chính phủ đã tạo dấu ấn ấn tượng khi có được tầm nhìn xa và những cải cách đang làm là hướng đến tầm xa đó. Hơn hai năm qua con đường phát triển rõ ràng hơn, đã thấy xuất hiện nhiều chính sách có tính chiến lược hơn, tốt hơn tạo tiền đề cho những bước đi tương lai, như: KTVM ổn định, lạm phát thấp… tạo sự hấp dẫn cho DN đầu tư. Có thể nó chưa mang lại kết quả ngay nhưng tạo tiền đề cho con đường phát triển bền vững trong thời gian tới.

3/ Năm 2019, mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 FTA đã và đang được đàm phán ký kết, 10 FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo động lực và gia tăng cơ hội đối với hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh MTKD ngày càng được cải thiện, ĐKKD có sự cải cách mạnh mẽ, thủ tục hành chính được đơn giản hóa.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đã không suy giảm liên tục qua các quý như lo ngại. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản diễn biến tích cực. Đặc biệt, Việt Nam bước đầu thể hiện được năng lực ứng phó các biến động bất lợi từ thị trường thế giới truyền tải qua các kênh hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là ấn tượng rõ nét nhất của Chính phủ kiến tạo và thật sự hành động trong nửa đầu nhiệm kỳ 2016-2021. Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo để tạo MTKD thuận lợi hơn cho các DN, cùng với niềm tin đang được khơi dậy từ công cuộc chống tham nhũng của Đảng hiện nay, sẽ có những tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam trong năm 2019. Để duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2019, ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế nhiều biến động.