Chưa nghiêm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 23, tại phiên thảo luận Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK&CLP) năm 2017, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) đã thẳng thắn phê bình các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) chưa làm tốt công tác này.

Việc phân bổ, sử dụng vốn vay trong đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Ảnh: LAM ANH
Việc phân bổ, sử dụng vốn vay trong đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Ảnh: LAM ANH

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả THTK&CLP trong năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK&CLP. Bên cạnh đó, nhiều bộ, cơ quan, địa phương cũng đã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình THTK&CLP của đơn vị mình theo quy định của Luật THTK&CLP và bám sát yêu cầu Chính phủ. Tuy nhiên, đến hết năm 2017, vẫn còn 17/35 bộ, cơ quan ở T.Ư; 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và 16/22 TĐ, TCT chưa ban hành Chương trình THTK&CLP gửi về Bộ Tài chính theo quy định. Việc THTK&CLP trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn. Vẫn tồn tại tình trạng: quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; chi NS tạm ứng, ứng trước ngoài dự toán chậm thu hồi; nợ xây dựng cơ bản, sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí... đã được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, việc phân bổ, sử dụng vốn vay trong đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, như: tại Dự án (DA) Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; DA Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; Một số DA vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính… Những hạn chế, vướng mắc này đã và đang gây lãng phí đối với nguồn lực của đất nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nói trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi Chương trình THTK&CLP để Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi. Trong khi đó, một số báo cáo đã gửi có tình trạng không nêu cụ thể số liệu, kết quả THTK&CLP tại ngành, đơn vị mình cũng như tại các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nên báo cáo của Chính phủ chủ yếu dựa vào kết quả của Thanh tra Bộ Tài chính, các cơ quan của Bộ Tài chính nên không thể đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai THTK&CLP. Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật THTK&CLP và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong THTK&CLP.

Trong phần thảo luận, UBTVQH nhất trí cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên, như: do tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động tiêu cực từ tình hình thế giới đối với sản xuất, kinh doanh trong nước; quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, khoa học - công nghệ còn lạc hậu, năng lực nguồn nhân lực còn hạn chế…

Tuy nhiên, nguyên nhân từ ý thức, trách nhiệm chưa cao, chưa gương mẫu, quyết liệt trong công tác THTK&CLP của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, địa phương được nhiều thành viên UBTVQH đặc biệt nhấn mạnh.

Nhắc đến tính kỷ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga và Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, ngay trong phụ lục kèm Báo cáo cho thấy rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có báo cáo gửi về Chính phủ hoặc chưa có Chương trình hành động THTK&CLP nên đã ảnh hưởng tới chất lượng của Báo cáo.

Cụ thể hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu phân tích, Báo cáo cũng chưa đề cập được bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt công tác THTK&CLP để phê bình xử lý trách nhiệm đơn vị làm chưa tốt hay biểu dương những đơn vị làm tốt.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, nhiều ý kiến trong UBTVQH cho rằng, trong thời gian tới, cần làm quyết liệt, cương quyết và xử lý nghiêm túc hơn, đồng thời cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí để dư luận lên án và kịp thời biểu dương các hành động thiết thực, làm tốt công tác THTK&CLP.

Phát biểu ý kiến kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH phê bình các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, TĐ, TCT chưa có báo cáo. Đây cũng là giám sát của QH về việc chấp hành Luật THTK&CLP. Cho nên, không có báo cáo có nghĩa chưa chấp hành nghiêm. Đề nghị, Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH điều chỉnh lại số liệu để sát, đúng với tình hình và hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ, nghiêm túc để trình QH tại kỳ họp thứ 5 tới đây.

Chiều 12-4, Bộ trưởng Tài chính đã ký Công văn số 4261/BTC-TTr trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê bình một số bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT chưa thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Luật THTK&CLP. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương, TĐ, TCT chưa ban hành Chương trình THTK&CLP năm 2017 và chậm báo cáo kết quả THTK&CLP năm 2017. Cụ thể, như sau: Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Văn phòng QH, Tòa án nhân dân tối cao. Tỉnh An Giang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Bình Dương, Điện Biên, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, TP Hồ Chí Minh; Vĩnh Long, Yên Bái. TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, TĐ Dầu khí Việt Nam, TĐ Dệt may Việt Nam, TĐ Điện lực Việt Nam, TĐ Bưu chính Viễn thông Việt Nam, TĐ Viễn thông Quân đội, TĐ Xăng dầu Việt Nam, TCT Hàng hải Việt Nam, TCT Hàng không Việt Nam, TCT Lương thực miền Bắc, TCT Lương thực miền Nam.