Chủ động & tích cực trong hợp tác APEC

Trải qua quá trình 25 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực. Đặc biệt, trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, APEC đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực sâu rộng, toàn diện theo tinh thần của Mục tiêu hướng tới tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020.

Chủ động hợp tác APEC các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chủ động hợp tác APEC các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

Vận hội phát triển

Sau gần 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tiến trình hợp tác của diễn đàn này. Có thể thấy APEC đã và đang mang lại cho các nền kinh tế thành viên, trong đó Việt Nam nhiều vận hội phát triển, và cũng đặt ra không ít thách thức.

Với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 59% dân số, 50% lãnh thổ, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu, APEC là một thị trường đặc biệt rộng lớn và tiềm năng để các DN Việt Nam tiếp cận và khai thác. Xu hướng thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại trong APEC mở ra nhiều cơ hội to lớn cho cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa tìm kiếm hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu (XK) vào các thị trường trong và ngoài khu vực. Thống kê cho thấy cộng đồng DN Việt Nam đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường châu Á - Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC, thể hiện qua kim ngạch XK của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên không ngừng tăng theo từng năm, và đến năm 2016 đã đạt khoảng hơn 119,69 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam ngày càng có cơ hội tiếp cận các thị trường ngoài khu vực.

Không chỉ là thị trường XK chủ lực của các DN Việt Nam, các thành viên APEC còn là những đối tác quan trọng của các DN nhập khẩu (NK) Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng trong nước. Các cam kết quan trọng về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ APEC có tác động tích cực và trực tiếp lên các hoạt động NK của các DN với các đối tác chủ yếu là thành viên APEC. Các DNNK Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể từ cắt giảm thuế quan, các rào cản thương mại, thủ tục hải quan và tiết kiệm đến 5% chi phí giao dịch thương mại.

Quá trình tham gia APEC đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để thành viên chia sẻ kinh nghiệm, các thông lệ tốt, khuyến khích nỗ lực riêng của từng thành viên thông qua các chương trình cải cách và hoàn thiện cơ chế chính sách trong 15 lĩnh vực của Kế hoạch Hành động quốc gia, các chương trình hợp tác liên quan thuận lợi hóa thương mại, đầu tư của APEC. Việt Nam còn có thể tận dụng các kênh quan trọng như Đối thoại giữa Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Chính phủ hằng năm; Hội nghị thượng đỉnh DN APEC bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC… để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng DN trong khu vực, đồng thời mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh doanh.

Trở ngại từ áp lực cạnh tranh

Bên cạnh những lợi ích và cơ hội mà tiến trình hợp tác APEC mang lại, về quan hệ song phương, các DN Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Các thành viên trong khu vực, ngoài việc hợp tác tích cực, còn có sự cạnh tranh khá gay gắt trong quan hệ thương mại và đầu tư. Việt Nam có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển so các thành viên, nên gặp khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước. Thực hiện các cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ diễn đàn đồng nghĩa Việt Nam sẽ gặp phải không ít trở ngại từ áp lực cạnh tranh.

Thực tế, DN Việt Nam phần lớn là các DN quy mô nhỏ và vừa với trình độ công nghệ còn hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động. Trái lại, sức cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ đến từ những nền kinh tế thành viên APEC vốn có trình độ khoa học - công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng nhanh. Đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghiệp điện, công nghiệp chế tạo, vận tải biển… sự cạnh tranh của các DN nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh đe dọa khả năng tồn tại và phát triển của các DN trong nước. Trong khi đó, các DN trong nước lại thiếu tính gắn kết chủ động và chặt chẽ với nhau, các hiệp hội chưa nâng cao được sức mạnh và vai trò dẫn dắt trong chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và nâng cao năng lực kinh doanh của toàn ngành trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài. Hơn nữa, cơ cấu kinh tế và thương mại của hầu hết các nước thành viên đều coi trọng việc đẩy mạnh XK và chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài nên Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc mở rộng và bảo vệ thị phần của mình ở cả trong và ngoài nước.

Chủ động & tích cực trong hợp tác APEC ảnh 1

Một phiên khai mạc Hội nghị SOM 2 tại Hà Nội

“Tăng tốc” với SOM 2

Là đợt hoạt động hội nghị mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của “Năm APEC Việt Nam 2017”, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 21-5-2017 tại Hà Nội, được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc định hướng nội dung liên quan các văn kiện sẽ trình lên Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng. SOM 2 bao gồm 49 cuộc họp, hội thảo, đối thoại... của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế mạng, phụ nữ và kinh tế, an toàn thực phẩm, khoa học - công nghệ và sáng tạo, khai khoáng, công nghiệp ô-tô, đô thị hóa... Bên cạnh đó, SOM 2 sẽ tổ chức ba hoạt động nổi bật nhằm thảo luận và trao đổi sâu hơn về nội dung mang tính định hướng trong văn kiện Năm APEC 2017. Thứ nhất là hội nghị toàn thể của Hội đồng Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (PECC). Thứ hai là Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai. Thứ ba là những học giả hàng đầu của khu vực sẽ tham dự cuộc họp về Mạng lưới trung tâm nghiên cứu kinh tế APEC, bàn về những vấn đề quan tâm chung, trong đó có tầm nhìn của khu vực APEC và diễn đàn APEC đến năm 2020.

Hội nghị lần này quy tụ khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, hiện đã có 1.699 đại biểu đăng ký, trong đó có 1.400 đại biểu quốc tế và hơn 200 đại biểu trong nước. Trong đó, Ban Tổ chức đã nhận được xác nhận của đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực như: Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard, đại diện các Bộ trưởng các vấn đề thương mại và nguồn nhân lực trong APEC cũng như đại diện 21 nền kinh tế thành viên, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, các trung tâm nghiên cứu và giới học giả APEC.

Tại buổi thông báo về các sự kiện tại SOM 2 do Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao tổ chức, Phó Vụ trưởng Báo chí (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Hương Trà cho biết, SOM 2 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác then chốt của APEC và các ưu tiên được thông qua tại Hội nghị SOM 1; đồng thời, thống nhất hướng xây dựng các văn kiện trình Lãnh đạo Cấp cao (tháng 11-2017) và các Hội nghị Bộ trưởng năm 2017 thông qua. Hội nghị SOM 2 do Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì. Với vai trò nước chủ nhà, năm bộ, cơ quan của Việt Nam cũng sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban/nhóm công tác của APEC.

Đặc biệt, theo ông Phạm Đăng Khoa, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), trong dịp này, tại Ninh Bình cũng diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính (SFOM) và các cuộc họp liên quan do Bộ Tài chính chủ trì. Đây là Hội nghị giữa kỳ quan trọng trong các hoạt động hợp tác tài chính APEC với bốn chủ đề ưu tiên gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; hợp tác chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; hợp tác trong bảo hiểm rủi ro thiên tai; hợp tác trong lĩnh vực tài chính toàn diện. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia hợp tác APEC nói riêng, đặc biệt là năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức APEC, hướng tới kỷ niệm 20 năm gia nhập APEC, ngoài những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình điều hành, định hướng các sáng kiến phát triển trong khuôn khổ các hội nghị APEC, các DN cũng cần chủ động, tích cực nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi ích và tăng cường kết nối với các đối tác APEC để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cung ứng dịch vụ cho toàn khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, cho biết: Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè và đối tác, chắc chắn Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển và an ninh của chúng ta, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của đất nước.