Câu chuyện cảm động về bức tượng Bác Hồ tại Côn Đảo

Một bức tượng Bác Hồ gắn liền với nhiều tư liệu quý giá vừa được trưng bày tại triển lãm “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người. Câu chuyện về bức tượng và hành trình từ chốn lao tù Côn Đảo, sang Pháp và trở về Việt Nam, đã gây nhiều xúc động cho những người được biết và chứng kiến.

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông Paul Antoine Miniconi và gia đình trân trọng gìn giữ hàng chục năm.
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông Paul Antoine Miniconi và gia đình trân trọng gìn giữ hàng chục năm.

1. Đó là bức tượng tạc hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chiến sĩ cộng sản lưu giữ tại nhà tù Côn Đảo những năm 40 của thế kỷ trước. Bức tượng nhỏ nhắn, đặc tả khuôn mặt của Bác với đôi mắt nhìn thẳng sống động, đầy tình cảm, cùng vầng trán cao và chòm râu bạc. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho các chiến sĩ cách mạng. Thậm chí, khiến viên giám ngục người Pháp Paul Antoine Miniconi phải khâm phục về những giá trị ngời sáng, tốt đẹp trong chốn lao tù.

Được cử sang Việt Nam làm giám ngục tại nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1920 - 1952, trong thời gian làm việc tại đây, qua việc phát hiện những “biểu hiện lạ” của các tù nhân, giám ngục này nghi ngờ họ đang cố gắng giấu vũ khí trong nhà tù. Ông Miniconi đã tiến hành kiểm tra và khám xét nơi ở của các tù nhân. Kết quả, ông ta thu được bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ mà những người cộng sản yêu mến, kính trọng.

Càng đặc biệt là những thông tin biết được sau đó, giám ngục biết rằng, mỗi lần bí mật chào cờ, kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ, các chiến sĩ cộng sản đặt bức tượng phía trước với tinh thần trang nghiêm. Trước đó, bằng lòng kính yêu với vị lãnh tụ vĩ đại, các chiến sĩ cách mạng bị lưu đày ra Côn Đảo đã khắc họa bức tượng Hồ Chí Minh theo trí nhớ và tìm mọi cách bảo vệ, giấu kín trước sự kiểm soát gắt gao của nhà tù.

2. Xúc động trước tinh thần quả cảm cũng như lòng trung thành của các chiến sĩ cộng sản với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự cảm phục sẵn có với người giám ngục Paul Antoine Miniconi đã quyết định bí mật lưu giữ lại bức tượng cho riêng mình. Kết thúc thời gian làm việc tại Côn Đảo, năm 1952, ông Miniconi quay trở lại sinh sống tại đảo Corse (Pháp). Kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được ông mang theo như một kỷ niệm về những năm tháng làm việc tại Việt Nam và gìn giữ đầy trân trọng trong nhiều năm tháng tại nhà riêng rồi trao lại cho người con trai Paul Miniconi lưu giữ trước khi ông mất.

Theo di nguyện của người cha, ngày 1-12-2019, ông Paul Miniconi cùng nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh của các chiến sĩ Nhà tù Côn Đảo cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp. Bức tượng sau đó được chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị. Thời gian qua, bảo tàng đã xây dựng hồ sơ khoa học để đưa ra trưng bày phục vụ công chúng trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp 19-5-2020.

Trong trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi nghe người hướng dẫn xúc động giới thiệu: “Đây chính là bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các chiến sĩ tù Côn Đảo đã không quản ngại mọi hiểm nguy, thậm chí là cả với tính mạng của mình bí mật cất giấu, vượt qua sự kiểm tra gắt gao của chính quyền Pháp. Trong một lần tổ chức khám xét, giám ngục người Pháp Paul Antoine Miniconi đã phát hiện và quyết định lưu giữ bức tượng này. Ông coi bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh như một hiện vật vô giá đối với gia đình mình bởi bức tượng thể hiện lòng tôn kính, niềm tin yêu tuyệt đối của các chiến sĩ cộng sản đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh đạo vĩ đại của dân tộc Việt Nam”.

3. TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ: Khi được chiêm ngưỡng, được nghe câu chuyện về bức tượng Bác Hồ ở Côn Đảo tôi vô cùng xúc động. Bức tượng chứa đựng nhiều ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện ý chí kiên trung của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại địa ngục trần gian Côn Đảo, luôn luôn hướng về lãnh tụ, coi đó là một sức mạnh để vượt lên sự đàn áp và đòn thù tàn khốc. Đó còn là điểm tựa tinh thần để các chiến sĩ cộng sản vượt qua những lúc khó khăn gian khổ nhất trong lao tù, từ đau đớn thể xác đến tinh thần bởi những cực hình tra tấn dã man của kẻ thù luôn một lòng kiên trung với Đảng, với Bác, với sự nghiệp cách mạng. Việc bức tượng Bác lại được lưu giữ bởi một viên cai ngục Pháp, mang về nước Pháp, rồi giao cho thế hệ sau để tặng lại Việt Nam là thêm một minh chứng sinh động và sâu sắc chứng tỏ sự vĩ đại và lan tỏa của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh trên toàn thế giới. Việc một gia đình người Pháp, vốn từng là cựu kẻ thù, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ bức tượng cho đến ngày nay và giao lại cho Bộ Ngoại giao ta để đưa về Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chứng tỏ là họ rất quý trọng và yêu mến lãnh tụ Hồ Chí Minh, yêu mến Việt Nam.

TS Chu Đức Tính nhấn mạnh: Việc bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 130 của Người mang ý nghĩa lớn lao đối với việc giáo dục thế hệ trẻ về tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như thế giới đối với Bác. Đó cũng là biểu hiện của ý chí, nghị lực của những người cộng sản. Và đây cũng là thông điệp Việt Nam luôn muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, hòa hiếu để cùng hướng tới phía trước.