Cần thực tế hơn trong tiêu chí xác định ùn tắc giao thông

TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc áp dụng Bộ tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia cũng như người dân, Bộ tiêu chí trên cần được đánh giá thực tế và khách quan hơn để có giải pháp đẩy lùi thực trạng quá tải giao thông trên địa bàn thành phố thời gian tới.

Bộ tiêu chí thiếu thực tế sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ ùn tắc giao thông tiếp tục còn kéo dài
Bộ tiêu chí thiếu thực tế sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ ùn tắc giao thông tiếp tục còn kéo dài

Xe chạy thua người đi bộ mới gọi là ùn tắc?

Trước khi xây dựng Bộ tiêu chí trên, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu, cần đưa ra phù hợp với đặc thù và tình hình giao thông thực tế. Đồng thời, đánh giá tình hình giao thông trên cơ sở khoa học, có định lượng các thông số cơ bản của dòng phương tiện lưu thông như: vận tốc dòng xe, chiều dài hàng đợi, lưu lượng, mật độ… Mặt khác, cần bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, công cụ và phương pháp cụ thể để xác định các thông số cho Bộ tiêu chí trên.

Bởi, theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc xác định tình trạng ùn tắc giao thông chủ yếu dựa trên cơ sở kéo dài hơn 30 phút mỗi đợt. Thế nhưng, qua đánh giá, thành phố nhận thấy phương pháp xác định như trên chủ yếu mang tính chất định tính, chưa phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên đường bộ đang khai thác. Do vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng để xác định chính xác tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là cần thiết, nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông cũng như công tác hoạch định các chính sách về quản lý và điều hành giao thông đô thị.

Cũng theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn thành phố thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm, các trục ra vào cảng hàng không, cảng biển; các tuyến đường khu vực trung tâm. Các tuyến đường này trở nên quá tải, mật độ phương tiện đông và ngày càng gia tăng, trong khi vận tốc lưu thông ngày càng giảm và di chuyển khó khăn. Thế nên, chỉ cần có sự cố nhỏ xảy ra trên đường, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông.

Thế nhưng, khi Bộ tiêu chí của TP Hồ Chí Minh đề xuất với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia thì chỉ dựa trên ba yếu tố gồm: vận tốc trung bình dòng xe nhỏ hơn hoặc bằng 5 km/giờ (thấp hơn vận tốc của người đi bộ); tình trạng kéo dài trong thời gian hơn 30 phút và chiều dài dòng xe kéo dài từ 200 m đến 300 m. Trong đó, vận tốc trung bình dòng xe nhỏ hơn hoặc bằng 5 km/giờ trên các tuyến đường được xác định thông qua hai phương pháp là vận tốc trung bình dòng xe dựa vào thống kê, phân tích dữ liệu giám sát hành trình (GPS) của các phương tiện kinh doanh vận tải như: xe tải, xe khách, xe taxi, xe buýt (hơn 60.000 phương tiện) và vận tốc trung bình dòng xe dựa vào phân tích hình ảnh từ dữ liệu 471 camera giao thông được lắp đặt trên đường (kết nối về Trung tâm điều khiển giao thông thành phố).

Còn về tình trạng kéo dài trong thời gian hơn 30 phút được giám sát, theo dõi từ hệ thống quản lý tự động trên nền bản đồ số từ Trung tâm điều khiển giao thông; chiều dài dòng xe từ 200 đến 300 m được xác định dựa vào phân tích dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera giao thông được lắp đặt trên đường, kết hợp với dữ liệu giám sát hành trình được tính toán trên bản đồ số giao thông.

TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia sớm nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí chung để đánh giá một cách khoa học, hợp lý tình hình giao thông và áp dụng đồng bộ trong phạm vi cả nước. Đồng thời, xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu đánh giá tai nạn giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế đo số liệu vận tốc trung bình lưu thông của xe cộ trong giờ cao điểm tại các điểm nóng nhất về giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại khác so với tiêu chí đưa ra trên. Cụ thể, theo số liệu từ Trung tâm điều khiển giao thông thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện tốc độ lưu thông trung bình tại ba khu vực trên địa bàn thành phố như sau: trung tâm thành phố, cao điểm sáng (20,7 km/giờ), cao điểm chiều (19,3 km/giờ) và thấp điểm (20,9 km/giờ); sân bay Tân Sơn Nhất, cao điểm sáng (22,3 km/giờ), cao điểm chiều (20,3 km/giờ) và thấp điểm (21,7 km/giờ); cảng Cát Lái, cao điểm sáng (30 km/giờ), cao điểm chiều (29 km/giờ) và thấp điểm (30,5 km/giờ)…

Đánh giá thiếu thực tế

Chia sẻ với phóng viên về đề xuất trên, tiến sĩ - kiến trúc sư (TS, KTS) Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP Hồ Chí Minh cho hay, việc xác định tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bằng Bộ tiêu chí trên là cần thiết trong tình cảnh quá tải giao thông hiện nay. Thế nhưng, để Bộ tiêu chí phát huy hiệu quả cao nhất thì thành phố cần khảo sát thực tế chi tiết hơn nữa và đánh giá một cách khoa học bằng việc phân tích các số liệu điều tra đối với từng khu vực, tuyến đường, khung giờ, lưu lượng người tham gia giao thông…, do đặc điểm mỗi nơi khác nhau nên cách đánh giá cũng riêng biệt.

Tương tự, TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho rằng, không thể dựa vào ba tiêu chí trên để đánh giá thực tế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, bởi như vậy là không thực tế. Theo TS Sơn, nếu xe lưu thông với vận tốc chỉ bằng một phần hai tốc độ thiết kế của tuyến đường đó đã gọi là kẹt xe, còn xét theo tiêu chí xe lưu thông thấp hơn vận tốc người đi bộ, cộng với ùn tắc kéo dài hơn 30 phút là không thể xảy ra, vì như thế thành phố sẽ không xảy ra thực trạng ùn tắc, kể cả những khu vực được xem là điểm nóng. Hơn nữa, chủ trương của chính quyền thành phố là kéo giảm mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông, nếu đưa ra tiêu chí này tức thành phố đang thừa nhận kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Do đó, để tìm bài toán giải quyết ùn tắc giao thông cần các giải pháp tổng thể và linh hoạt dựa trên điều kiện thực tế của thành phố như: quản lý đô thị, quy hoạch mạng lưới giao thông, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, tăng cường ý thức người dân…

Cần thực tế hơn trong tiêu chí xác định ùn tắc giao thông ảnh 1

Cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra tại TP Hồ Chí Minh

TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nói, từ thực tế số liệu đo đạc tại ba khu vực nóng nhất về ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì có thể thấy, vào giờ cao điểm thì tốc độ lưu thông của xe cộ cũng đạt xấp xỉ và hơn 20 km/giờ. Tức là, thời gian này được xem là tình trạng giao thông di chuyển khó khăn và ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến đường. Do đó, theo TS Sanh, nếu chiếu vào Bộ tiêu chí xe lưu thông với tốc độ nhỏ hơn hoặc bằng 5 km/giờ mới gọi là ùn tắc giao thông là không thể chấp nhận, thiếu thực tế.

Cũng theo phản ánh từ nhiều người dân tại các điểm nóng về ùn tắc giao thông như: đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), khu vực Cảng Cát Lái (quận 2)…, tại những thời điểm gọi là kẹt xe nhất cũng không thể xảy ra ùn tắc giao thông theo kiểu xe di chuyển chậm hơn người đi bộ. Do vậy, thành phố cần đánh giá lại tiêu chí kẹt xe để có những giải pháp thực tế hơn nhằm đẩy lùi tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh chia làm bốn mức độ, tương ứng với bốn mầu sắc để phản ánh tình hình giao thông đường bộ. Cụ thể, mức độ 1 (mầu xanh), lưu thông bình thường tương ứng với vận tốc lưu thông của dòng xe lớn hơn 10 km/giờ; mức độ hai (mầu cam), lưu thông khó khăn tương ứng với vận tốc lưu thông của dòng xe từ năm đến 10 km/giờ, tình trạng kéo dài hơn 10 phút; mức độ ba (mầu đỏ tươi), lưu thông không ổn định tương ứng với vận tốc lưu thông của dòng xe nhỏ hơn năm km/giờ, tình trạng kéo dài hơn 10 phút đến dưới 30 phút; mức độ bốn (mầu đỏ đậm), ùn tắc giao thông tương ứng với vận tốc lưu thông của dòng xe nhỏ hơn năm km/giờ, tình trạng kéo dài hơn 30 phút. Trong đó, Bộ tiêu chí trên dựa vào mức độ bốn (thấp nhất).