Bất cập chế độ đãi ngộ giáo viên

Nghị quyết 29/NQ-T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu rõ, thang bảng lương của các thầy, cô giáo phải được xếp cao nhất. Nhưng vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ… giáo viên vùng cao, giáo viên mầm non còn nhiều bất cập.

Tiền lương, chế độ đãi ngộ tốt cho giáo viên sẽ tạo động lực trong hoạt động nghề nghiệp. Ảnh: HẢI NỮ
Tiền lương, chế độ đãi ngộ tốt cho giáo viên sẽ tạo động lực trong hoạt động nghề nghiệp. Ảnh: HẢI NỮ

Mong manh phụ cấp giáo viên vùng cao

Với các giáo viên vùng cao, khó khăn vất vả là thường trực, vì mưu sinh họ chấp nhận tất cả. Nhưng với họ, thu nhập từ lương, phụ cấp nếu “có vấn đề”, sẽ đảo lộn cuộc sống của họ.

Đơn cử như tại Trường tiểu học Hữu Lập, xã Hữu Lập, Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách đây mấy tháng, các thầy, cô giáo được thông báo sẽ bị cắt giảm một phần trợ cấp vì ngôi trường đã “hết khó khăn”. Số tiền bị cắt giảm cũng khác nhau, người giảm nhiều thì 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, người thấp thì cũng gần một tháng lương cơ bản (từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng). Và cũng từ đây, cuộc sống các thầy, cô giáo bị đảo lộn, số tiền tưởng chừng nhỏ kéo theo bao khó khăn cho những giáo viên mà khi nhắc đến địa bàn công tác, người miền xuôi đã ái ngại vì vất vả.

Cô Trần Thị Thảo (Trường tiểu học Hữu Lập) chia sẻ: “Bản thân tôi là giáo viên công tác ở miền núi 23 năm. So giáo viên miền xuôi, chúng tôi có thêm một số phụ cấp của địa phương đặc biệt khó khăn, nhưng giờ thì… Nói thật ở trên này dạy chữ cho các cháu, dù khó khăn như thế nào chúng tôi cũng chịu được, riêng thu nhập đã eo hẹp mà lại giảm nữa thì đúng là rất hoàn cảnh!”.

Cùng chung tâm trạng, cô Phạm Thị Hương (31 tuổi) là người trẻ nhất, có chín năm “cắm bản” cho biết: “Là người miền xuôi, học xong lên đây công tác, trường có năm điểm, và toàn điểm rất khó khăn, năm vừa rồi được chuyển về điểm chính (bản Xộp Thạng) thì năm nay nguồn phụ cấp bị cắt giảm, vì điểm trường chính nằm trong bản đã thoát nghèo”.

Không những bị cắt giảm, ngay cả những nguồn trợ cấp của giáo viên vùng cao này cũng bị chậm rất lâu. Cụ thể, các khoản phụ cấp như thâm niên, lâu năm, chuyển vùng, tàu xe… giáo viên ở đây đang bị nợ lên tới bảy đến tám tháng.

Ngậm ngùi giáo viên mầm non

Việc cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng trong khi cô đã gắn bó hơn 35 năm với nghề, khiến dư luận không khỏi ngậm ngùi. Đây có lẽ là một thí dụ điển hình về những bất cập trong chế độ đãi ngộ với giáo viên mầm non hiện nay. Trong khi áp lực hằng ngày của cô giáo mầm non đang phải đối mặt rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non An Thượng B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, ngoài mức lương theo hệ số và phụ cấp đứng lớp 35%, giáo viên không có một khoản trợ cấp nào thêm nên đời sống rất chật vật. Bà Thanh cũng cho rằng giáo viên là nghề vất vả, giáo viên mầm non lại càng vất vả hơn bởi các cô làm việc hơn tám giờ/ngày. “Không chỉ dạy mà còn phải dỗ, chăm sóc trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ, làm vệ sinh cho trẻ… Vì thế, ai đã làm giáo viên mầm non mới hiểu áp lực các cô đang gánh chịu, thế nhưng mức lương lại chưa tương xứng với sức lao động”, bà Thanh nói.

Theo cô Nguyễn Thị Luyến, giáo viên Trường mầm non An Thượng B, gần 30 năm đi dạy, hiện cô được nhận mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Cô Luyến có gia cảnh khó khăn, cả gia đình sống nhờ đồng lương giáo viên ít ỏi nên cô cảm thấy vô cùng áp lực. Cô Luyến tâm sự, trước đây khi học xong trung cấp mầm non, những tưởng khi tâm huyết với nghề sẽ có cuộc sống ổn định. Nhưng rốt cuộc, cả cuộc đời đi dạy cô chỉ nhận được đồng lương rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống. “Gần 30 năm trong nghề giáo nhưng khi nhà có việc, cần mua một món đồ gì lại phải đi vay mượn”, cô nói.

Cô Đậu Thị Hòa, giáo viên trẻ mới ra trường công tác tại một trường mầm non công lập ở Hà Tĩnh chia sẻ, vì phải nuôi hai con nhỏ, chồng là bộ đội công tác xa nhà nên mỗi tháng nhận lương cô ứa nước mắt tủi thân. Hôm nào trực, 6 giờ 30 phút, cô phải có mặt ở trường và ngày làm việc kết thúc khi đồng hồ điểm 18 giờ. Lắm hôm, phụ huynh có việc đón con muộn, cô về đến nhà lúc 19 giờ. Đồng lương eo hẹp nên mọi chi tiêu trong nhà ba mẹ con phải tính toán từng đồng. “Dạy mầm non, học sinh như lũ chim non rất đáng yêu nên dù mệt mỏi lúc nào cũng phải động viên mình phấn đấu. Không vì lương thấp mà làm việc qua quýt, tuy nhiên lắm lúc muốn bỏ nghề theo chúng bạn đi buôn bán để cuộc sống các con đỡ khổ”, cô Hòa tâm sự.

Bất cập chế độ đãi ngộ giáo viên ảnh 1

Giáo viên mầm non tốn nhiều thời gian, sức lực để làm việc nhưng được đãi ngộ còn thấp. Ảnh: NAM HẢI

Đối tượng nào sẽ được ưu tiên?

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu đã lên tiếng về vấn đề tăng lương, phụ cấp, chế độ thâm niên cho giáo viên, nhà giáo đang còn những bất cập. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để làm sao đưa vào Luật Giáo dục vấn đề thang, bảng lương của các thầy, cô giáo. Đây là những vấn đề ưu tiên được Bộ xem xét, để sao cho chế độ làm việc của các thầy, cô giáo cần gắn với mức đãi ngộ tương xứng mới tạo được động lực.

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay, giáo viên mầm non đã đào tạo trình độ đại học (ĐH) và sau ĐH. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đặt vấn đề chuẩn là trình độ trung cấp nên mặc dù sinh viên tốt nghiệp ĐH ra là giáo viên mầm non nhưng lại hưởng mức lương còn thấp, khởi điểm là 1,86. Đối với giáo viên tiểu học do chuẩn là trình độ trung cấp và thực tế hiện nay đại đa số đã đào tạo trình độ cao đẳng nhưng vẫn xếp lương xuất phát điểm là 1,86 chứ không phải 2,1. Giáo viên THCS cũng được đặt theo chuẩn trình độ cao đẳng vẫn hưởng lương 2,1 chứ không phải là 2,34 trong khi đa số đã đào tạo trình độ ĐH. Ngoài ra, một bộ phận nhà giáo tốt, đang công tác ở cơ sở được điều về làm công tác quản lý ở phòng GD, Sở GD&ĐT nhưng lại chỉ được hưởng phụ cấp công vụ mà lại không được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi.

Ở một số nơi, theo phân cấp hiện hành và do thiếu chỉ tiêu biên chế, nhiều nhà giáo được cấp huyện ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, giáo viên hưởng lương theo bảng lương của nhà nước thì có mức lương tương đương như những giáo viên khác. Tuy nhiên, có thể giáo viên đó không được hưởng chế độ phụ cấp dành cho nhà giáo (chẳng hạn phụ cấp thâm niên).

Còn giáo viên làm việc theo hợp đồng ở các trường học, do trường ký và trả lương theo thời vụ 9 đến 12 tháng, trường hợp này thì lương của giáo viên lại phụ thuộc vào kinh phí của trường học. Như vậy, theo hợp đồng lương của giáo viên làm việc ở các trường không được tính theo thang bảng lương của nhà nước, vì thế có tình huống là nhiều thầy, cô giáo làm việc hợp đồng cho trường học nhiều năm, nhưng lương chỉ khoảng một vài triệu đồng/tháng. Bất cập này không nằm ở chính sách lương mà nằm ở cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế.

Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn và có hạn, chính sách chăm lo tăng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo tới đây sẽ được Bộ GD&ĐT ưu tiên nhằm vào những người giỏi, những người có đóng góp xuất sắc. Thí dụ, đối với người có học hàm là Phó giáo sư, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ cho hưởng bậc lương đối với ngạch cao cấp (xuất phát điểm từ 6,2 đến 8,0) và Bộ đang tiếp tục tham mưu để mức lương của Giáo sư tương đương với chuyên gia cao cấp.

Đối tượng thứ hai cần được tăng lương là những giáo viên có mức lương thấp mà lại làm việc vất vả hoặc giáo viên giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng lại có mức lương thấp. Những đối tượng này thường là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học mới vào nghề công tác ở vùng, miền đặc biệt khó khăn.

Đối tượng thứ ba là những người phục vụ trong các trường học vì công việc của họ cũng khá vất vả nhưng mức lương lại thấp, xuất phát điểm chưa đến 2,0 mà lại không có phụ cấp gì.