Xử nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều người tham gia giao thông (NTGGT) không chấp hành hiệu lệnh, tìm cách chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ. Hành vi chống người thi hành công vụ của NTGGT gồm tông xe, hành hung,... đã gây thương tích nặng, thậm chí khiến cán bộ CSGT tử vong. Tùy theo mức vi phạm mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến số vụ vi phạm này thường xuyên xảy ra.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tăng cường tuần tra, kiểm soát, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: NGỌC ANH
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tăng cường tuần tra, kiểm soát, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Ảnh: NGỌC ANH

Vừa qua, tại Km 8+500 đường 310 thuộc thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ CSGT Công an huyện Bình Xuyên phát hiện xe mô-tô mầu đen mang BS 88H1-275.14 có biểu hiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khi các cán bộ CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì Nguyễn Văn Sinh (SN 2004, ở TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) điều khiển xe chở theo Nguyễn Viết D. (SN 2004, ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không chấp hành, cố tình vượt qua và tông xe vào Thượng úy Lê Quang Toàn. Hậu quả, đồng chí Toàn bị gãy chân và tay phải, gãy xương đòn bả vai và xương gò má bên phải... Vụ việc đã được Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can...

Trước đó, tại tỉnh Tiền Giang, Công an huyện Cái Bè đã ra quyết định khởi tố bị can và cho tại ngoại đối với Lê Văn Quốc (47 tuổi) về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Nguyên nhân do Quốc không đội mũ bảo hiểm, có dấu hiệu đã sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe máy tham gia giao thông cho nên bị tổ công tác tuần tra yêu cầu dừng kiểm tra tại khu vực ấp Hòa Phú (xã Hòa Khánh). Trong quá trình lập biên bản xử lý để tạm giữ phương tiện, Lê Văn Quốc đã dùng dao đâm Ðại úy Nguyễn Văn Thảo (cán bộ Ðội CSGT - Trật tự, Công an huyện Cái Bè) nhưng anh tránh được. Tại cơ quan Công an, Lê Văn Quốc thừa nhận hành vi phạm tội... Ðó là hai trong số rất nhiều vụ việc NTGGT có hành vi chống đối lực lượng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ.

Qua tìm hiểu, trong thời gian gần đây, các hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ (LLTTCV) nói chung và CSGT nói riêng diễn biến khá phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau. Ngoài việc để lại những hậu quả lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, các hành vi này còn tạo ra những tiền lệ xấu khiến NTGGT coi thường pháp luật... Khái quát lại, các hành vi chống đối này có những nguyên nhân chính sau: Từ góc độ NTGGT, hành vi chống đối lực lượng chức năng (LLCN) do không biết hoặc do thiếu hiểu biết về pháp luật. Trong thực tế luôn có một tỷ lệ người có giấy phép lái xe hợp pháp nhưng không cập nhật các quy định mới về mặt pháp luật. Có những hành vi trước đây chưa bị xử phạt nhưng nay bị xử phạt, bởi vậy nếu người vi phạm không cập nhật thông tin có thể dẫn tới tranh cãi, chống đối. Hơn nữa, một số NTGGT biết rõ các quy định nhưng cố tình có các hành vi chống đối như từ chối kiểm tra nồng độ cồn; đóng cửa xe ô-tô khi bị yêu cầu kiểm tra chở quá tải, cản trở quá trình thực thi nhiệm vụ; hành hung LLTTCV... Ngoài ra, còn có trường hợp LLCN chưa tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính; văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống còn hạn chế... khiến người vi phạm bức xúc, dẫn đến hành vi cản trở, chống đối…

Về mặt pháp luật , sự bất cập trong các quy định pháp luật dẫn đến hiệu lực thực thi pháp luật còn chưa cao, cũng là nguyên nhân dẫn tới những hành vi chống đối. Hơn nữa, quy trình cưỡng chế hiện nay mất rất nhiều thời gian và cần phối hợp các cơ quan của chính quyền địa phương, trong khi những hành vi vi phạm cần phải được xử lý rất nhanh và mạnh. Sự bất hợp lý trong môi trường giao thông, sự khó khăn trong việc tuân thủ quy định, sự bàng quan của một số người khi LLCN bị cản trở,... cũng là những nguyên nhân người vi phạm tranh cãi, thậm chí hành hung LLTTCV...

Theo đồng chí Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, để hạn chế tình trạng này cần kiên trì tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về giao thông đường bộ dưới nhiều hình thức. Qua đó, giúp NTGGT hiểu được trách nhiệm của cá nhân, quyền hạn của LLCN, những việc bản thân được làm và không được làm khi bị kiểm tra,... Trong nhóm giải pháp này, vai trò của gia đình, nhà trường và truyền thông đại chúng hết sức quan trọng trong việc tạo nên văn hóa ứng xử, ý thức và nhận thức của NTGGT. Ðối với những trường hợp cố tình có hành vi chống đối LLTTCV thì phải xử lý nghiêm và truyền thông rộng rãi để răn đe, giáo dục. Ðây là nhóm hành vi coi thường, thậm chí thách thức pháp luật cần nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật để có mức xử phạt tương xứng. Ðối với những người tái phạm nghiêm trọng nhiều lần, cần xem xét những chế tài xử lý nghiêm khắc để bảo vệ cộng đồng. Bản thân LLCN cũng cần nắm rõ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, từ đó xử lý tốt từng tình huống NTGGT vi phạm. Muốn vậy, LLCN cần gương mẫu, công tâm, khách quan, có đủ nguồn lực, được đãi ngộ thỏa đáng; có đủ quyền hạn và quy định rõ ràng về trách nhiệm, đồng thời, đề cao vai trò giám sát của các cơ quan chức năng và người dân khi thực hiện nhiệm vụ. Cần hoàn thiện các quy định trong xử lý vi phạm giao thông theo hướng trao thêm quyền và trách nhiệm cho LLCN đối với các trường hợp không tuân thủ. Trong trường hợp người bị xử phạt không đồng ý với quyết định của cơ quan chức năng, cần tạo hành lang pháp lý đơn giản để người dân có thể khiếu nại, kiện ra tòa án. Tăng cường xây dựng quy định pháp luật và văn hóa bảo vệ lẽ phải trong cộng đồng, trong đó có việc người dân ủng hộ, bảo vệ LLCN khi thực thi nhiệm vụ. Cần nghiên cứu các số liệu xử phạt, phân tích những hành vi vi phạm phổ biến, xác định các nguyên nhân gián tiếp dẫn tới vi phạm để từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế hành vi chống đối...

Nếu NTGGT không chấp hành hiệu lệnh, dùng mô-tô, ô-tô,... đâm vào cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ gây tổn hại đến sức khỏe của cán bộ thì có thể bị xử lý hình sự theo Ðiều 330 về tội chống người thi hành công vụ, Ðiều 134  về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe  của người khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, có thể căn cứ vào Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 17-10-2018 (có hiệu lực từ ngày 3-12-2018).

Luật sư VŨ HỮU QUÝ

Giám đốc Công ty Luật Gia Vũ (Quảng Ninh)

“Khi tham gia giao thông, người điều khiển các phương tiện phải tuyệt đối chấp hành hiệu lệnh của các cán bộ CSGT. Nếu NTGGT có hành vi chống đối lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ðể hạn chế hành vi vi phạm này, lực lượng CSGT tỉnh Phú Thọ luôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về ATGT, Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông...”.

Thượng tá NGÔ TUẤN DŨNG

Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ