Xử lý nghiêm hành vi xả chất thải trái phép

Hiện nay, các chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại,… chưa qua xử lý thường được xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh. Theo bạn đọc phản ánh, những vi phạm chủ yếu là xả nước thải không đạt chuẩn, chôn lấp chất thải, xử lý rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định,… gây ô nhiễm nghiêm trọng; tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh - trật tự tại các địa phương. Để hạn chế tình trạng này, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực.

Kiên quyết xử lý hành vi

Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) bắt quả tang Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, ở phường Quán Triều (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) xả trộm nước thải không qua xử lý ra sông Cầu. Qua kiểm tra, các cán bộ công an Cục C05 đã phát hiện công ty này lắp đặt một đường ống nhựa có đường kính 10 cm, dài 100 m với mục đích bơm nước thải từ bể gom nước thải (bể thứ hai trong hệ thống xử lý) ra hố ga cuối trước khi thải ra sông Cầu, với lưu lượng khoảng 700 m3/ ngày đêm. Ông Khuất Duy Hà, quản lý bộ phận bốc xếp và môi trường của Công ty thừa nhận đã chỉ đạo công nhân thực hiện việc bơm nước thải không qua xử lý ra sông Cầu. Sau khi phát hiện vụ việc, các cán bộ Cục C05 phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh Thái Nguyên kiểm tra toàn diện và xử lý theo quy định.

Trước đó, tại xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), cán bộ, chiến sĩ PC05 (Công an TP Hải Phòng) phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố phát hiện xe ô-tô BKS 98C-11207, do ông Dương Văn Toàn, ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) điều khiển chở 16 con lợn sống nhưng không thu gom, xử lý chất thải trên xe. Chủ số lợn này là bà Nguyễn Thị Điều (cùng quê với lái xe Toàn) đã thừa nhận hành vi vi phạm này và bị các lực lượng chức năng xử lý theo quy định. Còn tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cán bộ, chiến sĩ Cục C05 đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra Công ty CP Giấy Sài Gòn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Cục C05 đã phối hợp lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện công ty này đã xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan, tài liệu thu thập; kết quả xác minh, kiểm tra và kết quả kiểm định Căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP, tại Điều 13, khoản 6, điểm y “Xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên vào môi trường, trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000m3/ngày (24 giờ trở lên)”… lãnh đạo Cục C05 đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này với số tiền hai tỷ đồng; hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động hệ thống xử lý nước thải chín tháng… Đây là ba trong nhiều vụ việc liên quan đến hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn, chất thải nguy hại ra môi trường đã bị lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý.

Quyết liệt ngăn chặn

Để đối phó các lực lượng chức năng, tội phạm về môi trường thường sử dụng nhiều thủ đoạn xảo quyệt và tinh vi. Cụ thể, trong lĩnh vực xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề…; các đối tượng thường xây dựng hệ thống xả thải ngầm, thiết kế thêm hệ thống xả nước thải bí mật. Lợi dụng đặc điểm địa hình, khung thời gian về đêm để thực hiện trót lọt các hành vi xả nước thải bừa bãi, chôn lấp chất thải nguy hại không đúng quy định. Một số doanh nghiệp còn cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài làm giả văn bản của các cơ quan nhà nước, lập hồ sơ khống; lợi dụng kẽ hở của pháp luật Việt Nam và những ưu đãi trong hợp tác quốc tế để hợp pháp hóa việc xả thải trái phép. Một số đơn vị, công ty cũng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường nhưng không thực hiện hoặc thực hiện mang tính hình thức. Đối với những loại rác thải, phế thải, máy móc lạc hậu, các đối tượng thường lợi dụng chính sách “tạm nhập tái xuất” và núp bóng dưới nhiều “chiêu trò” nhập nguyên liệu đầu vào, thiết bị sản xuất nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội… Bên cạnh đó, một số đối tượng còn sẵn sàng mua chuộc, cấu kết với những cán bộ thuộc các cơ quan về bảo vệ môi trường để chủ động đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra. Cung cấp thông tin sai sự thật cho các cơ quan báo chí, các hội nghề nghiệp nhằm mục đích gây hiểu lầm dư luận; tạo áp lực cho các cơ quan chức năng quản lý về môi trường…

Trao đổi với Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (Bộ Công an), chúng tôi được biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, nhất là trong lĩnh vực xả thải trái phép các chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt… lãnh đạo Cục C05 đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiến nghị; đồng thời đề ra nhiều giải pháp cụ thể như tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với lực lượng cảnh sát môi trường tại các địa phương. Tập trung phát hiện, xử lý vi phạm trong việc quản lý chất thải nguy hại; xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho các cán bộ, chiến sĩ của ngành, nhất là việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự,…; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ kỹ thuật kiểm định môi trường. Tiếp tục xây dựng lực lượng cộng tác viên đủ mạnh để hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng cảnh sát môi trường các địa phương khi thực thi pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tại các làng nghề; lãnh đạo các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp,… thực hiện tốt việc xử lý nước thải, chất thải nguy hại theo quy định. Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất các đơn vị, doanh nghiệp có biểu hiện xả nước thải, chất thải nguy hại trái phép ra môi trường. Áp dụng nhiều hình thức xử phạt bổ sung đủ mạnh bên cạnh quyết định xử phạt chính đã ban hành đối với đơn vị vi phạm…

Qua mỗi vụ việc, vụ án cụ thể liên quan đến các hành vi xả nước thải không đạt chuẩn; chôn lấp chất thải, rác thải… không đúng nơi quy định, lực lượng cảnh sát môi trường các tỉnh, thành phố cần định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá những thuận lợi, khó khăn... Từ đó, đưa ra những nhận định về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm này…

Thiếu tướng NHỮ THỊ MINH NGUYỆT

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an)

Một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến không đầu tư hoặc có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra. Việc làm này nhằm mục đích giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là những việc làm sai trái bởi các đơn vị, tổ chức chỉ vì cái lợi trước mắt mà cố tình vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; hủy hoại môi trường trong thời gian dài… Thực tế với công nghệ hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành một hệ thống xử lý nước thải, rác thải không phải là vấn đề quá lớn so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy.

NGUYỄN HỮU CHUNG

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Môi trường CTC Hà Nội