Xử lý nghiêm hành vi tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép

Theo bạn đọc phản ánh, trong khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều người chỉ vì hám lợi trước mắt đã tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Nhiều đường dây, tổ chức đưa người trái phép qua  biên giới đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Long (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) vận động người dân không xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Ảnh: TUẤN ĐẶNG
Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Long (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) vận động người dân không xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Ảnh: TUẤN ĐẶNG

Đồn Biên phòng Xín Cái (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang) vừa ra quyết định khởi tố vụ án “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015, bắt 10 đối tượng liên quan. Trước đó các cán bộ, chiến sĩ Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang) phối hợp Đồn Biên phòng Xín Cái tổ chức thực hiện đấu tranh Chuyên án HG720, bắt giữ các đối tượng Lý Mí Sính (SN 1986), Vừ Mí Tủa (SN 1985), Vừ Mí Lử (SN 1983) và Vừ Thị Sùng (SN 1982) cùng trú tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang);… có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Vào cuối tháng 7-2020, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái phát hiện 30 người (20 nam và 10 nữ thuộc các tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An,…) đang trốn trong một hang đá thuộc xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) để chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới. Xác định, đây là một trong những mắt xích quan trọng của đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Ngay lập tức, Chuyên án HG720 được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang phê duyệt làm cơ sở đấu tranh.

Từ các thông tin, chứng cứ thu thập được, Ban Chuyên án HG720 xác định có hai đường dây tổ chức đưa hai nhóm người (một nhóm 20 người và một nhóm 10 người) xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới. Trong đó, Vừ Mí Tủa và Vừ Mí Lử là hai đối tượng chính. Bước đầu, Vừ Mí Tủa khai nhận, thông qua mạng xã hội, Vừ Mí Tủa làm quen với một người đàn ông, người này đề nghị Tủa tổ chức cho 20 người đi từ xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vượt biên sang Trung Quốc với tiền công 400 nhân dân tệ/người. Còn Vừ Mí Lử thì quen biết Tuấn Anh, người này nhờ Lử đưa 10 người vượt biên sang Trung Quốc, nếu trót lọt sẽ trả công 400 nhân dân tệ/người.

Qua tìm hiểu, các đối tượng xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Cam-pu-chia, Trung Quốc, Lào và nhập cảnh bất hợp pháp ngược lại chủ yếu với mục đích tìm việc làm; tham gia các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng. Một số người đi du lịch rồi trốn ở lại nước bạn lao động bất hợp pháp bị lực lượng chức năng truy quét hoặc do dịch bệnh nên nhập cảnh trái phép về nước... Để thực hiện hành vi trái pháp luật này, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây XNC trái phép thường sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat,... nhằm móc nối, lôi kéo những người có nhu cầu XNC trái phép. Khi đã tập hợp đủ số người có nhu cầu, các đối tượng sẽ lên kế hoạch phân công, điều hành từng công đoạn thông qua việc sử dụng sim rác điện thoại. Sau đó, lợi dụng đêm tối, địa hình phức tạp ở biên giới để đưa người XNC trái phép qua đường mòn, lối mở, sông suối. Khi qua biên giới, các đối tượng tiếp tục thuê người địa phương vận chuyển bằng xe máy, ô-tô vào sâu trong nội địa. Một số đối tượng chủ mưu còn sử dụng bè mảng, xuồng cao tốc nhập cảnh trái phép bằng đường biển hoặc trốn trên phương tiện vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu. 

Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, đồng thời để tăng tính răn đe cho những đối tượng hám lợi đang ấp ủ các âm mưu, thủ đoạn tổ chức đưa người XNC trái phép, vừa qua, TAND thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm vụ án đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, tòa tuyên phạt các bị cáo Chen Xian Fa (27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) 8 năm tù, Hồ Thị Thu Trinh (24 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Nam) 6 năm tù và Huỳnh Ngọc Diễm (41 tuổi, trú tại TP Đà Nẵng) 5 năm tù. Ngoài ra, hội đồng xét xử còn tuyên trục xuất Chen Xian Fa khỏi Việt Nam sau khi chấp hành xong bản án. 

Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) Đại tá Bùi Văn Lua chia sẻ: Để ngăn chặn triệt để các hoạt động XNC trái phép qua biên giới, lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Chỉ thị 3106/CT-BTL ngày 22-9-2020, trong đó yêu cầu chỉ huy các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các tổ, chốt biên giới, đồng thời chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực thực hiện 3 không: “không XNC trái phép, không tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật, không đưa đón người XNC trái phép”. Thành lập 1.608 tổ, chốt với gần 10.000 người; tổ chức điều động tăng cường lực lượng, phương tiện từ tuyến sau cho các tuyến biên giới; thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch và công tác tuần tra, kiểm soát tại biên giới, đấu tranh triệt xóa các đường dây tổ chức đưa đón người XNC... Đối với các đơn vị BĐBP, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác quản lý bảo vệ biên giới, nhất là công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quân số làm nhiệm vụ ở các tổ, chốt chặn trên biên giới đất liền bảo đảm thường trực suốt 24 giờ trong ngày. Tiến hành đồng bộ các biện pháp, kế hoạch nghiệp vụ, kịp thời xác lập chuyên án, điều tra, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp XNC trái phép. Đối với các trường hợp hoạt động môi giới, tiếp tay, đưa đón người XNC trái phép nếu có đủ căn cứ pháp luật thì khởi tố ngay. Làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, kịp thời biểu dương, nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống XNC trái phép. Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, rà soát kỹ nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra sai phạm về XNC...

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013, hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép sẽ bị phạt tiền đến 40 triệu đồng. Trường hợp đến mức bị xử lý hình sự thì theo Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 người phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là bị phạt đến 15 năm tù. Ngoài ra, nếu hành vi này làm lây lan dịch Covid-19 thì còn bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư NGUYỄN THỊ THÚY HÀ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Để ngăn chặn tình trạng XNC trái phép, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ kép và cư dân hai bên biên giới không XNC trái phép; tích cực cung cấp thông tin, tố giác, giúp BĐBP và các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn, bóc gỡ, triệt phá các đường dây đưa người XNC trái phép.

Ðại tá ÐẶNG TOÀN QUÂN
Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ninh