Vi phạm trong đấu thầu dự án xây dựng khu dân cư mới tại TP Chí Linh (Hải Dương)

Giữa năm 2019, thị xã (nay là thành phố) Chí Linh (Hải Dương) tổ chức mở thầu Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới tại phố Hưng Đạo (phường Sao Đỏ). Mọi chuyện đều thực hiện đúng thủ tục, trình tự, không có gì đáng nói nếu như bộ hồ sơ mời thầu không “nhầm lẫn” về diện tích đất ở phải bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi kiểm đếm, số liệu thực tế cao hơn gấp gần 12 lần diện tích ghi trong hồ sơ.
Người dân phản ánh vi phạm tại Dự án khu dân cư mới Hưng Đạo (TP Chí Linh).
Người dân phản ánh vi phạm tại Dự án khu dân cư mới Hưng Đạo (TP Chí Linh).

Không đơn giản là nhầm lẫn…

Hồ sơ mời thầu Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới Khu phố Hưng Đạo (gọi tắt là dự án Hưng Đạo) được UBND tỉnh Hải Dương phát hành ngày 6-5-2019. Theo đó, địa điểm đầu tư dự án thuộc phường Sao Đỏ (TP Chí Linh). Diện tích quy hoạch 65.146 m2 với tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng. Dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) 18,329 tỷ đồng. Riêng đất ở (ký hiệu ODT), hồ sơ thầu công bố chỉ có 200 m2, tương ứng hai tỷ đồng trong khi thực tế, diện tích phải bồi thường, GPMB là 2.398,3 m2. Số liệu này được công bố lại sau khi có kết quả trúng thầu khiến nhà đầu tư “ngã ngửa” bởi tổng số tiền phải bồi thường, GPMB là hơn 40,312 tỷ đồng (tăng gần 22 tỷ đồng).

Ngoài hồ sơ mời thầu, tất cả các văn bản liên quan của TP Chí Linh cũng như của UBND tỉnh Hải Dương đều ghi rất rõ diện tích, phương án GPMB và dự toán kinh phí. Có nghĩa là để ban hành các loại văn bản đó, rất nhiều cán bộ, ban, ngành các cấp của chính quyền TP Chí Linh và tỉnh Hải Dương đã tham gia, tham mưu, thẩm định, đề xuất cho lãnh đạo đơn vị ký ban hành. Điều đó cho thấy, không hề có sự nhầm lẫn giữa con số 200 m2 trên giấy tờ và diện tích thực tế 2.398,3 m2. Điều này dẫn đến việc một số nhà đầu tư bỏ giá thầu thấp hơn thực tế và người bỏ thấp nhất đã trúng thầu. Việc sai lệch hồ sơ thầu làm thay đổi kết quả đấu thầu có thể sẽ phải xử lý bằng phương án khác, nhưng hậu quả không hề nhỏ. Giá thầu thấp không chỉ làm thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư mà còn khiến ngân sách nhà nước bị thất thoát. Ngoài ra, còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, công sức của một bộ phận cán bộ, công chức, doanh nghiệp tham gia các công đoạn của dự án này.

Phản ánh đến Báo Nhân Dân, bạn đọc cũng cho rằng, đối với một dự án có tổng diện tích quy hoạch lên tới hơn 65 nghìn m2, có liên quan đến hàng trăm hộ dân thì việc sai sót số liệu như vậy, không đơn giản là nhầm lẫn. Nhiều ý kiến cho rằng, sai số đó là sự cố tình của chủ đầu tư nhằm loại bỏ những nhà đầu tư am hiểu về dự án hoặc đã tham gia trong khâu lập dự án. Điều đó giải thích vì sao, việc một liên danh nhà đầu tư ít tên tuổi lại trúng thầu chứ không phải là các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.

Cần hủy kết quả và tổ chức đấu thầu lại

Trao đổi với chúng tôi, đại diện đơn vị tham gia lập quy hoạch (Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Thu Hà - có địa chỉ tại TP Chí Linh) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch (Công ty cổ phần kiến trúc Việt Hà - có địa chỉ tại TP Hải Dương) đều bất ngờ với con số ODT mà chủ đầu tư thể hiện trong hồ sơ mời thầu. Đó là khi tham gia lập quy hoạch, các đơn vị này đã điều tra, khảo sát, đo đạc rất nhiều lần khu đất dự kiến. Trong số 65 nghìn m2 dự án, theo bản vẽ diện tích đó gần giống một hình chữ nhật thì ba mặt dự án tiếp giáp với khu dân cư. Mặt còn lại giáp khu công viên, hồ nước. Có hàng trăm hộ dân có nhà, đất ở trong diện tích quy hoạch. Việc này lãnh đạo chính quyền các phường có diện tích quy hoạch đều nắm rất rõ, nhưng họ không biết số liệu trong hồ sơ được thể hiện như thế nào.

Vì sao đơn vị trúng thầu không hề kiểm tra, xác minh đối với các thông tin trong hồ sơ mời thầu. Thậm chí, sau khi trúng thầu và có kết quả đo đạc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương về dự án, đơn vị này cũng im lặng trước việc phải bỏ ra thêm gần 24 tỷ đồng cho việc GPMB. Nhiều người thắc mắc, nếu phải chi khoản tiền phát sinh do sai lệch hồ sơ thầu này, liệu doanh nghiệp chịu hay ngân sách nhà nước sẽ phải gánh. Chưa kể, việc sai lệch nghiêm trọng của hồ sơ thầu đã vi phạm khoản 3 Điều 17 của Luật Đấu thầu. Sai phạm này dẫn đến việc phải thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Đấu thầu. Căn cứ những lý do đó, kết quả đấu thầu dự án Hưng Đạo phải được hủy để chỉnh sửa hồ sơ và tổ chức đấu thầu lại.

Thế nhưng, không hiểu vì sao UBND thành phố Chí Linh lại ban hành Văn bản số 12/UBND-BQLDA, ngày 8-1-2020 gửi Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Văn bản này không thừa nhận sai phạm trong hồ sơ mời thầu mà coi đây là một “tình huống khó xử” và đề nghị Cục Quản lý đấu thầu cho ý kiến.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh để làm rõ những vấn đề bạn đọc quan tâm về gói thầu thực hiện dự án Hưng Đạo: Vì sao có sai lệch diện tích ODT; vì sao không hủy kết quả và tổ chức đấu thầu lại theo đúng Luật Đấu thầu? Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Cương: “Việc sai số liệu diện tích ODT của dự án là do nhầm lẫn của bộ phận soạn thảo văn bản. Việc hủy kết quả đấu thầu hay không chúng tôi đã gửi văn bản hỏi và đang chờ hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu”. Ông Cương cũng loanh quanh và mập mờ khẳng định việc chủ đầu tư đã lựa chọn đúng nhà đầu tư khi cố gắng nâng cao năng lực của liên danh trúng thầu: “Nếu tiếp tục thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, có thể nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.

Vậy liên danh trúng thầu là những ai? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đó là liên danh Việt Hân - Nam Quang, do Công ty Việt Hân làm đại diện. Trên giấy tờ đăng ký kinh doanh, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang, thành lập năm 2003. Công ty này có trụ sở tại Khu công nghiệp Nam Sách, phường Ái Quốc, TP Hải Dương. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất. Còn Công ty Việt Hân có tên đầy đủ là Công ty cổ phần Thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân, thành lập năm 2006, có trụ sở tại Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Công ty này đã thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 23. Ngành nghề đăng ký chính cũng là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất…

“Các trường hợp hủy thầu gồm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc các yêu cầu khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án”.

(Khoản 3 Điều 17 Luật Đấu thầu)

“Theo quy định hiện hành của pháp luật đất đai, UBND cấp huyện là cơ quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, trách nhiệm trong việc làm sai lệch hồ sơ mời thầu dự án Hưng Đạo do UBND thành phố Chí Linh giải quyết”.

TRƯƠNG VĂN HƠN

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương

“Đề nghị cơ quan chức năng hủy kết quả và tổ chức đấu thầu lại dự án Hưng Đạo vì quyền lợi về bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với các hộ dân có đất bị thu hồi. Chúng tôi cần được biết rõ ai chịu trách nhiệm về kinh phí cũng như thỏa thuận với người dân…”.

PHẠM VĂN TUẤN

(Tổ 4, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, Hải Dương)