Ý kiến bạn đọc

“Tín dụng đen” biến tướng

Hiện nay, để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động “tín dụng đen”, nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã đề ra nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực. Một số tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trái pháp luật này đã bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hình thức quảng cáo ngày càng đa dạng và tinh vi, nhất là việc các đối tượng lập các trang web, mạng xã hội, dùng số điện thoại di động không đăng ký chính chủ… để lách luật và trốn tránh sự điều tra của cơ quan công an. Cụ thể, xuất hiện một số đối tượng người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người trong nước đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là App); điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” vừa bị lực lượng công an triệt phá. Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng về máy điện thoại di động của mình. Thí dụ, nếu khách hàng vay tiền qua ứng dụng Vaytocdo thì người vay lần đầu được vay 1,7 triệu đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1,428 triệu đồng, còn công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong tám ngày người vay phải trả 2,04 triệu đồng (trong đó, 1,7 triệu đồng tiền gốc và 340.000 đồng tiền lãi tám ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày…

Ngày 8-7-2019 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Văn bản số 5228/NHNN-CSTT khẳng định pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P Lending (ứng dụng cho vay ngang hàng). Đồng thời, nội dung văn bản này cũng cảnh báo: Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.

Trước những biến tướng phức tạp của hoạt động “tín dụng đen”, người dân cần tỉnh táo, không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền thông qua các app ứng dụng; kênh thông tin trực tuyến mà không cần các điều kiện. Bên cạnh đó, cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm các kiến thức về các quy định, thủ tục khi vay tiền tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; phương thức chuyển tiền - nhận tiền trên mạng. Tăng cường bảo mật thông tin cá nhân nhằm hạn chế tình trạng bị mắc bẫy những app cho vay biến tướng “tín dụng đen”. Nếu gặp khó khăn về tài chính, người dân hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có uy tín để được hỗ trợ và giúp đỡ.

Hiếu Hán Toàn
(TP Hồ Chí Minh)